Trong chương trình phần hội tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức gian trưng bày thư pháp thu hút được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Để viết được thư pháp bằng chữ Hán, chữ Nôm, người viết cần phải am hiểu về ý nghĩa của các chữ, có nền tảng kiến thức thâm sâu về kết hợp và phân bố hình khối, tạo dáng chữ qua từng đường nét. Kết hợp với tinh hoa cây bút lông, đường bút của người Việt có thể tạo ra những nét chữ đầy nghệ thuật, khi to, khi nhỏ có khi thật mảnh mai, uyển chuyển, uốn lượn, có khi lại vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, rắn rỏi sắc cạnh. Những nét chữ đó tạo nên nhịp điệu, sắc thái, linh hồn cho bức thư pháp
Thư pháp luôn gắn liền với nét văn hoá xin chữ của người dân Việt. Những người xin chữ thường mong muốn những điều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống và đặc biệt là những nhà có người theo học, mong được con chữ của Thánh hiền, sẽ may mắn trong học hành thi cử.
Nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành, những câu nói tình nghĩa về quan hệ giữa: thầy - trò, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, bạn bè, tri kỉ, như chữ “Phúc”, “Tài”, “Lộc” mang ước vọng về sự an khang, thịnh vượng và hạnh phúc; các chữ “Chí”, “Thọ”, “Thành” thể hiện ý chí cao viễn, thành đạt trong sự nghiệp; “Nhẫn”, “Lễ”, “Hiếu”, “Thuận” thể hiện mong muốn vạn sự tốt lành, êm thắm; “Nhân”, “Trí”, “Minh” thể hiện khát vọng cao quý về trí tuệ, học vấn,…
Nghệ thuật Thư pháp được tái hiện trong Lễ hội Đền Thánh Nguyễn nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống./.
Hồng Hạ (Trung tâm VHTT và TT)