Sau gần 3 năm triển khai, mô hình thu gom phế liệu xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Liên Sơn đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần làm xanh - sạch- đẹp môi trường mà còn tạo được nguồn vốn hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” được Hội LHPN xã Liên Sơn triển khai từ cuối năm 2019. Để thực hiện thành công mô hình, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của mô hình và hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ. Với rác thải hữu cơ, các gia đình sẽ đào hố rác để chôn lấp và tận dụng làm phân bón. Với rác thải vô cơ (rác thải không tái chế được), các gia đình sẽ tự thu gom, sau đó đưa đến nơi tập kết để xử lý tập trung. Với rác thải tái chế được như: vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy…, các gia đình tích góp lại để ủng hộ cho mô hình. Bên cạnh đó, vào ngày thứ 7 hằng tuần, cán bộ, hội viên phụ nữ xã sẽ tổ chức thu gom phế liệu, rác thải dọc các tuyến đường trục chính của xã, của xóm. Cứ đều đặn ngày 25 hằng tháng, các chị là trưởng và phó chi hội mang phế liệu về tập kết tại sân UBND xã và bán lấy tiền gây quỹ.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay các chị em đã gây quỹ được hơn 6 triệu đồng. Nguồn quỹ này được Hội LHPN xã dùng để thăm hỏi, hỗ trợ 24 lượt hội viên phụ nữ và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; mô hình này được đông đảo hội viên phụ nữ và người dân địa phương ủng hộ tích cực bởi việc gom phế liệu không chỉ làm sạch môi trường mà còn mang lại hoạt động ý nghĩa là hỗ trợ đối tượng khó khăn, đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh của người dân. Đây là một trong những cách làm sáng tạo được cụ thể hóa từ Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Sơn cho biết: “Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo, khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương vì đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Hoạt động ý nghĩa này đã tạo động lực giúp hội viên, phụ nữ nghèo nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, củng cố tình đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các hội viên, phụ nữ và người dân ở cộng đồng dân cư. Mô hình cũng giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức, ứng xử đối với môi trường. Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cũng đã có thói quen phân loại rác thải trong gia đình, góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp”./.
Cẩm Vân - Trung tâm VHTT&TT