Trong những năm qua, phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng được hội viên nông dân thị trấn Me tích cực hưởng ứng tham gia. Tiêu biểu trong phong trào này là hội viên Hoàng Văn Tùng, Phố Mỹ Sơn, thị trấn Me với mô hình trồng nấm, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Sau nhiều năm vất vả xuôi ngược làm rất nhiều nghề từ đi làm thuê, bốc vác, đi xuất khẩu lao động… nhưng cuộc sống của anh Hoàng Văn Tùng vẫn khó khăn. Với mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, tháng 8/2021 anh Hoàng Văn Tùng đã nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ sản xuất nấm, do còn thiếu kinh nghiệm nên nấm trồng bị bệnh, hỏng nhiều, tuy vậy anh không nản chí, lặn lội đi học hỏi khắp nơi về cách trồng nấm và tham khảo thêm sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Sau một thời gian, anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng trên 400 m2 lán trại và mua sắm các thiết bị cho nghề trồng nấm.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm gặp lúc anh Tùng đang thu hoạch nấm . Với Giá nấm sò dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau mỗi vụ gia đình a cũng thu về hàng trăm triệu đồng... Anh Tùng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, trang trại nấm của anh luôn được người tiêu dùng ưa chuộng chọn mua.
Anh Tùng chia sẻ, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, sạch sẽ, chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn. Cụ thể đối với nấm sò, các nguyên liệu mùn cưa, bông phế thải được xay nhỏ, xử lý qua nước vôi, đem ủ, đóng trong bịch nilon, hấp vô trùng, sau đó cấy giống, ươm bịch từ 20 - 30 ngày cho đến khi sợi nấm ăn kín trắng toàn bộ bịch nấm, làm cho bịch nấm rắn chắc và sợi nấm ăn vào nguyên liệu tạo thành khối màu trắng đều từ trên miệng xuống đáy túi. Khi bịch nấm trắng đều tiến hành dùng dao nhọn sắc rạch 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm (các vết rạch so le và đều nhau), kích thước vết rạch rộng 2 - 3 cm, sâu 4 - 5 cm. Sau khi rạch khoảng 7 - 10 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Nấm sò mọc thành từng cụm nên thu hái cả cụm. Khi nấm có đường kính mũ đạt từ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch, khâu hái nấm và vệ sinh nấm cũng rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm. Người làm nghề trồng nấm cần phải có sự đầu tư đồng bộ về vốn lẫn kiến thức và tâm huyết mới mong phát triển bền vững.
Theo anh Tùng, trồng nấm còn tận dụng được các phế phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, lõi ngô, bã mía để làm phôi trồng nấm giúp hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa vụ sau, tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Sau khi hết thời gian thu hoạch nấm, bã nấm có thể sử dụng làm phân vi sinh bón cho cây trồng rất tốt. Các sản phẩm từ nấm cũng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Mô hình trồng nấm kinh tế hiệu quả của gia đình anh Hoàng Văn Tùng được nhiều người dân tại địa phương quan tâm, tìm đến học hỏi, anh đều tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Trong thời gian tới, anh có dự định mở rộng diện tích trại nấm thêm 1.000 m2, đầu tư hàng loạt máy móc phụ trợ khác cho nghề trồng nấm; với những kết quả nổi bật đạt được trong phát triển kinh tế, anh Tùng được khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi và trở thành tấm gương tiêu biểu được địa phương lựa chọn để tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo.
Hồng Hạ - Trung tâm VHTT&TT