Chiều ngày 06/7, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Ninh Bình và UBND huyện tổ chức Hội thảo đánh giá hoạt động phát hiện lao chủ động tại huyện Gia Viễn. Dự Hội thảo có đồng chí Vũ Quốc Huy, Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia; cùng các đồng chí Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Đại biểu tỉnh có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế; Bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Thị Bích Thảo, Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình. Đại biểu huyện có đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Tại Hội thảo, Bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Thị Bích Thảo, Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình đã báo cáo kết quả sàng lọc chủ động bệnh lao áp dụng chiến lược 2X tại huyện Gia Viễn.
Theo báo cáo, tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc được phát hiện trên 1 nghìn người dân tại huyện Gia Viễn năm 2018, 2019, 2020 cao hơn so với trung bình toàn tỉnh. Năm 2022, tình hình phát hiện toàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tại huyện Gia Viễn số bệnh nhân lao mới mắc được phát hiện ở mức thấp. Thực hiện sàng lọc chủ động bệnh lao áp dụng chiến lược 2X tại huyện Gia Viễn diễn ra từ ngày mùng 10 đến hết ngày 24/6/2023, Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các địa phương đã tổ chức khám sàng lọc cho gần 10 nghìn người. Kết quả phát hiện 19 bệnh nhân lao phổi, trong đó có 1 bệnh nhân lao kháng thuốc, 18 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, 1 bệnh nhân lao phổi âm tính; thu nhận điều trị 22 bệnh nhân lao tiềm ẩn; 288 trường hợp người có kết quả Xquang bất thường được chỉ định làm xét nghiệm Xpert.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia nhấn mạnh: Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, song trên thực tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn, do đó đây được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, từ khi phát hiện bệnh đến khi tử vong có thể đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn để công tác phát hiện lao chủ động, chẩn đoán, điều trị và tư vấn lao tiềm ẩn cho cộng đồng đạt hiệu quả cao. Tiến tới kết thúc bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp phòng, chống bệnh lao nhằm cung cấp kiến thức về phòng, chống bệnh lao cho chính quyền và người dân trên địa bàn, đồng thời thu hút sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống lao; huy động các tổ chức xã hội của tham gia tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đối với công tác phòng, chống lao, hoạt động phát hiện lao chủ động… trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.
Cẩm Vân- Trung tâm VHTT&TT