Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Bài Phỏng vấn ông Bùi An Khang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tăng cường ứng dụng KHKT sản xuất đậu đen, đậu xanh và lạc đen theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện

Thứ sáu, 10/09/2021

Lạc, đậu đen và đậu xanh là 3 cây trồng chính trong nhóm cây đậu đỗ được khai thác để đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu thực vật, protein cho người và nguyên liệu thức ăn gia súc, đây cũng là loại cây trồng có tác dụng tốt trong việc luân xen canh, cải tạo đất và ứng dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất hiệu quả. Sản phẩm của đậu, lạc trồng theo hướng hữu cơ được sử dụng nhiều hơn khi phát hiện được nhiều vi chất ảnh hưởng tốt đến sức khỏe con người. Đề tài khoa học Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất đậu xanh, đậu đen và lạc đen theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với xã Liên Sơn bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, người dân thay đổi tập quán canh tác một cách rõ rệt, giải quyết được bài toán về lao động và kinh tế tại địa phương. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Trung tâm VH-TT&TT có cuộc trao đổi với ông Bùi An Khang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Chủ nhiệm đề tài khoa học Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất đậu xanh, đậu đen và lạc đen theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện.

Ông Bùi An Khang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện

PV: Thưa ông, lý do ông lựa chọn đề tài Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất đậu xanh, đậu đen và lạc đen theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện là gì?

Ông Bùi An Khang: Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đối với diện tích sâu trũng người dân đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đây là một hướng đi để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho một đơn vị diện tích; Tuy nhiên đối với chân ruộng cao thì chỉ có chuyển đổi sang trồng mầu hoặc cây ăn quả là phù hợp (tùy chân đất); bên cạnh đó lực lượng lao động trong độ tuổi làm ở các công ty, nhà máy nhiều, còn lao động trên 50 tuổi còn sức khỏe ở nông thôn rất nhiều. Từ đó việc tính toán chuyển đổi  từ việc lựa chọn loại cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác, phù hợp với sức khỏe của người nông dân trên 50 tuổi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích là một hướng đi phù hợp. Xuất phát từ thực tế trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trình Hội đồng khoa học huyện để liên kết với Viện Di truyền nông nghiệp, Viện nghiên cứu phát triển cây trồng – học viện nông nghiệp Việt Nam để đưa 02 giống Lạc đen CNC1, giống đậu xanh TX05 để thực hiện 02 đề tài: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất Lạc đen theo hướng hữu cơ” và “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất đậu xanh, đậu đen theo hướng hữu cơ” để giải quyết những vấn đề trên.

PV: Ông có thể đánh giá hiệu quả bước đầu của đề tài như thế nào?

Ông Bùi An Khang: Việc thực hiện Đề tài được Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021; người dân sẽ được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới thông qua Hội nghị tập huấn, các buổi hội thảo đầu bờ để dần thay thế tập quán canh tác cũ, lạc hậu, không phù hợp cho người dân. Kết quả cụ thể:

- Đối với giống Lạc đen CNC1,

Với đặc tính sinh trưởng phát triển mạnh hơn giống lạc đỏ, lạc trắng, Dạng hình cây gọn, thân đứng, sinh trưởng phát triển khoẻ, lá xanh đậm, ra hoa đậu quả tập trung, quả to, tỷ lệ quả chắc cao, độ đồng đều của quả cao, hạt đen và to. Chất lượng lạc ăn ngon thơm bùi. Năng suất cao hơn 15 - 20%. Khả năng chống chịu với bệnh héo xanh, đốm nâu và thối đen cổ rễ tốt hơn giống đối chứng. Năng suất ước đạt 120kg/sào (33,3 tạ/ha); hiệu quả kinh tế ước đạt trung bình 8 triệu/sào (trên 200 triệu/ha), cao gấp gần 8 lần so với trồng lúa.

Đồng thời Lạc Đen có vị ngọt, bùi, giàu chất dinh dưỡng hơn lạc thường, còn được gọi là lạc giàu selen, là thực phẩm có tính kiềm điển hình, giàu arginine (khoáng chất) và các axit béo không bão hòa, vitamin E, vitamin B, lecithin (một trong nhóm các phospholipit, thành phần quan trọng trong màng tế bào), canxi, kali, đồng, kẽm, sắt, selen, mangan và tám loại vitamin và 19 loại axit amin là thành phần dinh dưỡng mà cơ thể con người cần; Selen (Se) là chất khoáng, chỉ có trong cơ thể người với hàm lượng rất nhỏ, nhưng vô cùng quan trọng, nó là một chất giải độc kỳ diệu chuyên "săn bẫy" các kim loại nặng độc hại rồi thải trừ chúng ra khỏi cơ thể. Người ta cũng chứng minh được Se đóng vai trò then chốt trong quá trình ôxy hóa, chống lão hóa cơ thể. Đồng thời, Lạc Đen có thể ức chế sự hình thành khối u ác tính, loại bỏ chất béo dư thừa trong cơ thể, ngăn chặn bức xạ nhìn thấy và tia cực tím và bổ sung dinh dưỡng tự nhiên cho cơ thể con người. Lạc Đen rất giàu Anthocyanins, Anthocyanins là chất ức chế gốc tự do, chống oxy hóa, chống bức xạ, chống chống lão hóa và hoạt động tim mạch, tăng cường độ đàn hồi của da, bảo vệ da và tăng cường sức khỏe da, giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu trong máu, phòng ngừa các bệnh tim mạch, và sơ vữa động mạch, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và tác dụng sinh học khác…. Ngoài ra, vỏ lụa Lạc đen còn chứa flavonoid, BPSP resveratrolalcohol và các thành phần sinh học khác với các tính năng độc đáo.

- Đối với giống đậu xanh TX05, với đặc điểm có kiểu hình đẹp, thân đứng, tán gọn, sinh trưởng khỏe, chiều cao cây trung bình 73,5cm, số cành cấp 1 là 2,1 cành/cây, đến giai đoạn thu hoạch cây, lá đậu có màu xanh vàng hơn. Hoa mọc thành chùm có màu vàng lục, số hoa/cây 65,1 hoa. Quả đậu dài, trung bình có 11,0 hạt/quả, quả non có màu xanh và có lông, khi chín quả chuyển dần sang màu vàng nâu tới đen. Hạt đậu hình tròn hơi thuôn, có màu xanh bóng. Quả không bị nứt, không phải bứt lá, số lần thu hái chỉ tầm 2-3 lần, cây đứng, gọn, thờ gian sinh trưởng từ 65-72 ngày đây là những ưu điểm vượt trội so với giống đậu địa phương nhằm tiết kiệm công thu hoạch và chăm sóc, đồng thời có thể xác định là cây để luân canh với cây trồng khác, cải tạo đất. Năng suất giống đậu xanh TX05 vụ hè thu là 56,07 kg/sào (trên 15 tạ/ha); hiệu quả kinh tế đem lại là 2,2 triệu đồng/sào (trên 62 triệu đồng/ha) cao gấp 2,65 lần so với trồng lúa.

Có thể nói, sau khi thực hiện 02 đề tài, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, người dân thay đổi tập quán canh tác một cách rõ rệt, dễ làm, giải quyết được bài toán về lao động và kinh tế tại địa phương.

PV: Trong thời gian tới, việc áp dụng mô hình trồng đậu đen, đậu xanh và lạc đen theo hướng hữu cơ được triển khai tới các địa phương khác trong huyện như thế nào thưa ông?

Ông Bùi An Khang: Trong thời gian tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục khuyến cáo người dân tại xã Liên Sơn và các vùng có điều kiện tương tự để mở rộng sản xuất, hình thành vùng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường; tiếp tục liên kết với các nhà khoa học có uy tín để chuyển giao công nghệ; đồng thời mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho nông dân được tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế của huyện, của tỉnh.

PV: Vâng, xin cám ơn ông!

Hồng Hạ -Trung tâm VHTT&TT

Bài viết khác