Chiều ngày 28/9, Hội LHPN huyện tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Tính, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, luật pháp chính sách, Hội LHPN tỉnh; đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; đồng chí Đặng Đình Hùng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện; đồng chí Đặng Thanh Bình, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; đồng chí Đặng Anh Mỵ, HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện. Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân huyện; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Hội LHPN các xã, thị trấn.
Đ/c Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phát biểu tại Hội nghị
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 237 điều, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đ/c Chủ tịch Hội LHPN huyện phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Anh Mỵ, Chủ tịch Hội LHPN huyện, chủ trì hội nghị nhấn mạnh: Việc tổ chức phản biện dự thảo Luật Đất đai nhằm phát hiện vấn đề chưa phù hợp và kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần để dự thảo Luật sau khi ban hành phù hợp với tình hình thực tiễn về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong chương trình hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến và tham luận nhiều nội dung, như: Vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất; những điểm chưa phù hợp, thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai,…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn áp dụng Luật Đất đai, còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần thiết sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo Luật có liên quan, chưa thống nhất, đồng bộ, chồng chéo với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Bất cập, vướng mắc trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyền giám sát của HĐND chưa rõ ràng, việc lấy ý kiến của nhân dân và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa rõ ràng; về quy định giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng,...
Quyền và nghĩa vụ của công dân đối với vai trò là người sử dụng đất. Các ý kiến cũng đề xuất kiến nghị lồng ghép giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất. Giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận, quản lý, sử dụng đất.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu được Hội LHPN huyện tiếp thu, tổng hợp gửi Hội LHPN tỉnh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, góp phần hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi).
Về dự hội nghị, đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ phát biểu khẳng định: Luật Đất đai sửa đổi đã được ban hành và thực hiện từ năm 2013. Trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Đất đai đã được góp ý nhiều lần, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập, chưa phù hợp, thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó việc lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân đã tạo cơ hội phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, đồng thời đề xuất những giải pháp để việc lấy ý kiến thực chất, hiệu quả hơn.
Kim Thoả - Trung tâm VHTT&TT huyện