Ngày 24/02 (tức ngày Rằm tháng Giêng), xã Gia Hưng tổ chức Lễ hội Đền Cát Đùn năm 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Huyện uỷ, Văn phòng HĐND&UBND huyện; Lãnh đạo một số phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; đại diện Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình; các đồng chí Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam cùng đông đảo Nhân dân xã Gia Hưng và du khách thập phương.
Hang Cát Đùn nằm tại khu vực giáp ranh giữa xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Sở dĩ gọi hang Cát Đùn vì hàng năm, vào tháng 8 âm lịch, cát trong hang đùn ra bên ngoài cửa hang, đến tháng 3 âm lịch (năm sau) cát lại rút vào trong lòng hang. Cát trong hang đùn ra rất nhiều tạo thành nhiều gò đống lớn với kích thước khác nhau trước cửa hang.
Hang Cát Đùn nằm ngay chân núi, ẩn mình trong rừng cây rậm rạp với những thân cây cao, to. Phía trước cửa hang là dòng suối cạn, con suối cạn này chạy men theo chân dãy núi Thung Chén. Dòng suối chỉ có nước vào mùa mưa. Ngay đoạn suối trước cửa hang, dưới lòng suối là cát vàng dày kín. Cát đổ ra tạo thành những bãi cát to, ước hàng trăm mét khối, nhưng không bao giờ vượt quá 25 m chiều dài và 15 m chiều rộng. Nhân dân quanh vùng còn truyền lại câu phương ngữ: "Tháng 8 xây ra, tháng 3 xây vào”, hay "Tháng 8 đùn ra, tháng 3 đùn vào”. Tức là cứ vào tháng 8 (âm lịch) hàng năm thì cát trong hang lại đùn ra ngoài cửa hang, vào tháng 3 (âm lịch) năm sau, phần lớn những khối cát đó lại đùn một phần trở lại hang và tiêu mất. Cũng theo kinh nghiệm đúc kết của các cụ cao niên trong vùng truyền lại, nếu năm nào cát đùn ra trước cửa hang tạo thành từng những đụn to, cát vàng, sạch giống như hình "đống rơm” thì năm đó người dân lao động sẽ có một mùa bội thu; nếu năm nào cát đùn ra có nhiều đống nhỏ, màu đen thì sẽ xảy ra dịch bệnh; năm nào cát đùn ra thành từng dải cát dài, nhìn giống như "bờ đê chắn sóng” hoặc giống hình "đê vỡ” thì năm đó mưa to, lũ lụt...
Hang Cát Đùn có 2 cửa, cửa thứ nhất quay hướng Tây Nam, nằm sát chân núi, cửa rộng từ 4 - 5 m. Đây là cửa cát trong hang đùn ra, thu vào. Cửa thứ 2 quay hướng Tây, cách cửa thứ nhất khoảng 30 m về phía Tây Bắc, nằm cao hơn chân núi khoảng 8 m. Hang có độ dài khoảng 250 m, chiều rộng từ 3 - 15 m, vòm cao từ 2 - 20 m. Lòng hang như một dòng suối, xuôi thoai thoải theo hướng Đông. Hang được chia làm 4 khoang, mỗi khoang lại có vô số những khối nhũ đá, măng đá kích cỡ to nhỏ khác nhau chen chúc rủ xuống. Bên vách hang các dải nhũ to, nhỏ mang hình cây bóng lá, phía trên vòm trần lồi lõm có lác đác nhũ, các cụm nhũ buông xuống không đồng đều so le lệch góc. Đặc biệt, ở trong lòng các khoang đều có những hồ nước nhỏ, trong đó hồ nước ở khoang thứ 4 có diện tích khá rộng, mực nước sâu không nhìn thấy đáy. Đây chính là miệng của mạch nước ngầm từ lòng hang dâng lên, nước không bao giờ cạn.
Nhân dân thấy đây là điềm lạ, hiếm thấy nên đã lập đền thờ: Thờ Chúa Sơn Lâm và Đức Cao Sơn Thành Hoàng. Đền thờ được lập trên một hốc đá, phía dưới là một hang sâu, đến nay vẫn còn hiện hữu.
Nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, đặc biệt là bộ cổ vật “KHIẾT ĐÙN TỪ 36 QUẺ” viết bằng chữ Hán Nôm, khắc trên Gỗ Thị, niên hiệu Bảo Đại Ngũ Niên.
Cho đến nay, địa điểm này đã trở thành địa điểm tín ngưỡng thu hút đông đảo Nhân dân quanh vùng và du khách thập phương đến dâng hương. Thông qua đó người dân muốn thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân làng. Đây cũng là hình thức giáo dục cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư./.
Lê Thảo-Trung tâm VHTT&TT