Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Bài phỏng vấn đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số huyện về công tác xây dựng chính quyền điện tử của huyện Gia Viễn

Thứ năm, 29/04/2021

Phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số huyện về công tác xây dựng chính quyền điện tử của huyện Gia Viễn trong thời gian qua

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Thời gian qua, huyện Gia Viễn đã coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xem đây như là một cuộc “cách mạng” trong đổi mới phong cách hành chính... giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đ/c Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số huyện trả lời nội dung phỏng vấn

- PV: Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, thời gian qua huyện Gia Viễn đã triển khai và đạt được những kết quả bước đầu như thế nào về công tác xây dựng chính quyền điện tử, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Dược: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông. Hàng năm, UBND huyện xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bản an ninh mạng. Đến nay đã đạt được một số kết quả như sau:

- 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT – iOffice vào xử lý công việc; 100% văn bản (trừ văn bản mật) được thực hiện, quản lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành;

- 100% các xã, thị trấn đã có Trang thông tin điện tử.

- Rút ngắn từ 40-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp không giấy tờ;

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ tiếp nhận đạt 30%.

- Lãnh đạo: UBND huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử;

- UBND huyện và các xã, thị trấn đã có phòng họp trực tuyến.

- Việc Giải quyết TTHC cho người dân đã được cải thiện rất nhiều về thời gian, các loại giấy tờ, đặc biệt là việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử để giải quyết hồ sơ trực tuyến trong thời gian phải giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- PV: Trong việc xây dựng chính quyền điện tử, huyện Gia Viễn có những thuận lợi và còn gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?

- Bà Vũ Thị Dược: Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, huyện Gia Viễn có nhiều thuận lợi cơ bản như:

Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành; một số dịch vụ công đã đạt mức độ 3, mức độ 4. 100% các xã, thị trấn đã được xây dựng trang thông tin điện tử và đang từng bước triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công “một cửa điện tử”. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.

Hầu hết, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, điều hành công tác triển khai chính quyền điện tử (CQĐT), công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước và triển khai xây dựng CQĐT hướng tới chuyển đổi số.

Hàng năm, UBND huyện đều quan tâm ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, trong đó đưa ra các mục tiêu, giải pháp thực hiện nhằm từng bước nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc.

Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư một cách đồng bộ các trang thiết bị cơ sở hạ tầng công nghệ và đường truyền đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cụ thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 78,76%; tỷ lệ máy tính có kết nối internet đạt 100%. Tỷ lệ các địa phương có Trang thông tin điện tử đạt 100%.

Bên cạnh những thuận lợi, huyện ta cũng gặp những khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử như:

- Do điều kiện phát triển còn hạn chế nên một xã chưa được quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc một cách đồng bộ, nhiều thiết bị đã cũ, lỗi thời về công nghệ nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chất lượng đường truyền chưa được cải thiện nên chưa đáp ứng được yêu cầu; lãnh đạo chưa có máy tính cá nhân, máy tính cài đặt hệ điều hành Win Xp, Microsoft Office 2003 không tương thích để cài đặt phần mềm chữ ký số.

- Do thói quen, nhận thức, về quy trình, kỹ thuật…, một số thủ tục hành chính vẫn chưa được chuẩn hóa... nên việc chuyển từ văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm.

- Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn rời rạc nên hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung.

- Chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện còn hạn chế, phần lớn cán bộ làm CNTT tại các cơ quan, đơn vị là kiêm nhiệm.

- Kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT chưa được bảo đảm thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được duyệt; kinh phí bố trí thường không đáp ứng nhu cầu, chưa kịp thời, không ổn định, chưa tương xứng với hiệu quả.

- PV: Thưa bà, trong thời gian tới, để xây dựng thành công chính quyền điện tử nhiệm vụ cần đặt ra là gì?

- Bà Vũ Thị Dược: Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện tốt định hướng trên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Thứ nhất, tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện như Quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT-TT đầu tư phát triển công nghiệp CNTT tại địa bàn huyện.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

- Thứ hai, Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu của các ngành để xây dựng Chính quyền điện tử.

Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế.

- Thứ ba, Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình phát triển Chính quyền điện tử tại địa phương tạo niềm tin cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của chính quyền các cấp.

Tập trung và chủ động triển khai các giải pháp nền tảng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đồng bộ, hiện đại; bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin, máy tính của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

- Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử tại địa phương.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước. Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đội ngũ chuyên gia giỏi lĩnh vực CNTT-TT, đảm bảo nhân lực cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm, dịch vụ mới.

- Thứ năm, bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai, phát triển Chính quyền điện tử. Huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Phấn đấu tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4: tối thiểu trên 50%. 100% thủ tục hành chính sẵn sàng đưa lên mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.

- Thứ sáu, Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước tại địa phương thông qua hệ thống Chính quyền điện tử.

- PV: Trân trọng cảm ơn bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số huyện đã dành thời gian chia sẻ cho cuộc phỏng vấn hôm nay!

Hồng Hạ, Cẩm Vân- Trung tâm VHTT&TT

 

Bài viết khác