Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN
Giới thiệu chung

 1. Đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử hình thành huyện Gia Viễn

Huyện Gia Viễn nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 20 km, cách Trung tâm thủ đô Hà Nội 73 km, có diện tích 175,5 km². Phía Đông giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định qua sông Đáy; phía Tây giáp huyện Nho Quan; phía Nam giáp huyện Hoa Lư; phía Bắc giáp huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Là huyện chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, vì thế địa hình của huyện tương đối phức tạp với đủ cả rừng núi, đồng bằng, hồ đầm, sông bãi. Núi chiếm khoảng 1/4 diện tích tập trung nhiều ở phía bắc huyện thuộc các xã Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Thanh và tập trung ở cực nam huyện thuộc xã Gia Sinh. Các vùng khác chủ yếu là đồng bằng chiêm trũng như đầm Cút và các bãi sông Hoàng Long. Gia Viễn còn được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh như: Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, suối Kênh Gà, chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng,...

Huyện Gia Viễn có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Me và 20 xã: Gia Hòa, Gia Hưng, Gia Lạc, Gia Lập, Gia Minh, Gia Phong, Gia Phú, Gia Phương, Gia Sinh, Gia Tân, Gia Tiến, Gia Thanh, Gia Thắng, Gia Thịnh, Gia Trấn, Gia Trung, Gia Vân, Gia Vượng, Gia Xuân, Liên Sơn.

Theo tài liệu lịch sử địa danh huyện Gia Viễn được triều đại phong kiến nhà Đinh lập ra năm 968 với tên gọi đầu tiên là Như Viễn thuộc Châu Đại Hoàng nước Đại Cồ Việt. Sau đó các triều đại phong kiến sau này sáp nhập chia tách vào các Châu Phủ khác nhau, sau đổi thành An Viễn, thời thuộc Minh là Uy Viễn. Đến Triều đại nhà Lê năm (1433-1442) Đời Lê Thái Tông gọi là huyện Gia Viễn thuộc Phủ Trường Yên Trấn Thanh Hoa rồi lại nhập vào Sơn Nam thừa tuyên, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Ninh Bình. Theo tài liệu năm 1802, huyện Gia Viễn có 12 tổng gồm: Kỳ Vĩ, Trường Yên, Lê Xá, Đa Giá, Trì Hối, Đại Hữu, Thanh Quyết, La Mai, Vân Trình, Quán Vinh, Uy Viễn, Viên Đăng.

Sau năm 1954, huyện Gia Viễn có 28 xã: Gia Hòa, Gia Hưng, Gia Lạc, Gia Lâm, Gia Lập, Gia Minh, Gia Ninh, Gia Phong, Gia Lai, Gia Phú, Gia Phương, Gia Sinh, Gia Sơn, Gia Tân, Gia Thắng, Gia Thanh, Gia Thịnh, Gia Thủy, Gia Tiến, Gia Trấn, Gia Trung, Gia Tường, Gia Vân, Gia Vượng, Gia Xuân, Liên Sơn, Trường Yên, Xích Thổ.

Ngày 27 tháng 4 năm 1977, huyện Gia Viễn hợp nhất với huyện Nho Quan thành huyện Hoàng Long, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

Ngày 9 tháng 4 năm 1981, huyện Gia Viễn được tái lập, gồm 21 xã: Gia Hòa, Gia Hưng, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Vượng, Gia Minh, Gia Phong, Gia Sinh, Gia Lạc, Gia Phương, Gia Trung, Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Vân, Gia Lai, Gia Lập, Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Thanh, Gia Tân và Liên Sơn.

Riêng các xã Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Sơn, Xích Thổ vẫn thuộc huyện Hoàng Long (nay là huyện Nho Quan); xã Trường Yên được chuyển về huyện Hoa Lư. Trụ sở huyện đóng ở xã Gia Vượng.

Ngày 1 tháng 4 năm 1986, thành lập thị trấn Me, thị trấn huyện lỵ huyện Gia Viễn với diện tích 89,3 ha, 3.297 nhân khẩu, gồm 70,80 ha diện tích tự nhiên của xã Gia Vượng và 18,5 ha diện tích tự nhiên của xã Gia Thịnh. Ngày 6 tháng 11 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/NĐ-CP về việc điều chỉnh một phần diện tích và nhân khẩu của các xã Gia Vượng, Gia Thịnh về thị trấn Me quản lý.

2. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn:

Gia Viễn có 01 khu công nghiệp và 03 cụm công nghiệp:

Khu công nghiệp Gián Khẩu: Được thành lập năm 2009 (tại Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 23/10/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình), quy mô diện tích là 262 ha (theo văn bản số 1499/TTg-KTN ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ), đến nay đã triển khai hoạt động được 162 ha. Khu công nghiệp Gián Khẩu nằm trên địa phận 3 xã Gia Tân, Gia Xuân và Gia Trấn (huyện Gia Viễn), nằm cạnh Quốc lộ 1, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 10 km. Trong những năm gần đây, khu công nghiệp Gián Khẩu tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 50 ha mở rộng được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 14/6/2017. Theo Quyết định này thì dự án được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 50 ha thuộc địa bàn xã Gia Tân, huyện Gia Viễn.

Cụm công nghiệp Gia Vân: Được thành lập từ năm 2016 với tổng diện tích 74,7678 ha. Đến nay, CCN đã được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, nhà máy xử lý nước thải tập trung của CCN, hồ sinh thái, nhà điều hành và đưa vào hoạt động; CCN đã thu hút 13 dự án với diện tích đất cho thuê 55,3782 ha, tỷ lệ lấp đầy 93,32%. Trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng và 3 dự án chậm tiến độ. 

Cụm công nghiệp Gia Phú: Được thành lập tại Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích 50 ha. Đã thu hút 10 dự án với diện tích đất cho thuê 34,97 ha (trong đó: có 05 dự án đi vào hoạt động; 04 dự án đang đầu tư theo tiến độ được phê duyệt; 01 dự án chậm tiến độ), tỷ lệ lấp đầy đạt 91,57%; tổng vốn đầu tư trên 2.210 tỷ đồng; Doanh thu của các dự án đã đi vào hoạt động năm 2021 là trên 175 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022 là trên 227 tỷ đồng; Nộp ngân sách của các dự án đã đi vào hoạt động năm 2021 là 8,2 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022 là 22,1 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Gia Lập: Được thành lập tại Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh với tổng diện tích 39,95 ha, đã thu hút được 04 dự án, thu hút chủ yếu công nghiệp công nghệ sạch và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử.

3. Phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp

 Gia Viễn có các chợ sau là được xếp hạng chợ loại 2, 3 ở Ninh Bình: Chợ Đò: Thôn Thượng Hoà, xã Gia Thanh. Chợ Giá: Thôn An Ninh, xã Gia Hoà. Chợ Gia Phú: Thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú. Chợ Gián Khẩu: Thôn Gián Khẩu, xã Gia Trấn. Chợ Hối: Thôn Vân, xã Gia Tân. Chợ Liên Huy: Thôn Liên Huy, xã Gia Thịnh. Chợ Me: Phố Mới, thị trấn Me. Chợ Viến: Đội 9, xã Gia Hưng. Chợ Hàng: Thôn Bình Khang, xã Liên Sơn. Chợ Đình: Thôn An Thái, xã Gia Trung. Chợ Lê: Thôn Mai Sơn, xã Gia Lạc.

Các ngành nghề, việc làm chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi dê núi, lợn, bò, gia cầm,... Ngoài ra một số địa phương cũng có thêm những nghề phụ như: Đóng tàu ở Đồng Chưa (Gia Thịnh). Mây tre đan lát An Thái (Gia Trung). Có nghề thêu ren Tập Ninh (Gia Vân). Nghề thợ xây dựng Gia Lập. Làng nghề thêu ren Lãng Nội (Gia Lập). Có nghề làm mộc ở Gia Thịnh. Nghề chẻ tăm hương Văn Hà (Gia Phương). Trồng dược liệu, dịch vụ du lịch Gia Sinh. Làng nghề thêu ren Vũ Đại (Gia Xuân). Nghề đan cót nan Vân Thị (Gia Tân). Một số còn nghề làm nón Gia Vượng.

4. Lịch sử Văn hóa

 Gia Viễn là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử. Đây là vùng đất "sinh vương, sinh thánh"; nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và thánh Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư). Gia Viễn còn nhiều danh nhân tiêu biểu khác như: Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thượng thư Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ thời nhà Đinh và thái sư Trương Bá Ngọc thời Lý. Huyện Gia Viễn có nhiều di tích lịch sử văn hóa như:

Động Hoa Lư: thuộc xã Gia Hưng, là căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh.

Động Địch Lộng: là động đẹp được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ là "Nam thiên đệ tam động". Từ năm 1740 động là nơi thờ Phật.

Kẽm Trống: là danh thắng nổi tiếng từ xa xưa nằm giữa Hà Nam và Ninh Bình được tạo ra bởi sông Đáy và các dãy núi hai bên bờ.

Chùa Bái Đính: là khu chùa cổ gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Hiện tại ở đây đã xây dựng khu chùa mới với quy mô lớn hấp dẫn khách du lịch.

Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh: là ngôi đền cổ, xây dựng tại nơi sinh ra danh nhân Đinh Tiên Hoàng

Đền Thánh Nguyễn: xưa là chùa Viên Quang Tự, tương truyền do quốc sư Nguyễn Minh Không lập nên để tu hành.

Suối nước nóng Kênh Gà thuộc xã Gia Thịnh là nơi đã được đầu tư phát triển du lịch giải trí, chữa bệnh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long: khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất Bắc Bộ

Vùng quê Gia Viễn có một số đặc sản ẩm thực sau:

Mắm tép Gia Viễn là một đặc sản đặc trưng của huyện. Gia Viễn là miền quê được bao bọc bởi sông Hoàng Long, sông Đáy và sông Bôi. Đây là vùng chiêm trũng ngập nước của những ngọn núi đá vôi mọc lên từ những đầm nước ngọt. Người dân vì thế vốn có nghề làm tép riu từ xa xưa. Người ta dùng tép riu làm mắm, gọi là mắm tép. Nghề chế biến mắm tép là công việc bình thường, dân dã ở mỗi gia đình để phục vụ phần chính nhu cầu đời sống, một phần tiêu thụ ra bên ngoài. Làm mắm tép phải theo mùa, khi tép ngon, béo. Người làng Gia Viễn chỉ chọn loại tép riu làm nguyên liệu chế biến thành mắm, tép riu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam bởi tép gạo tuy to và nạc hơn nhưng làm mắm lại không ngon.

Cá chuối Vân Long: là đặc sản quý của đầm Vân Long, được phát hiện đầu tiên ở hang Cá. Cá chuối Vân Long có thân hình to, tròn, sống trong các hang động ngập nước nên có hình dáng đặc trưng. Món cá chuối nướng Vân Long là một đặc sắc ẩm thực của vùng đất phía bắc Gia Viễn.

Khoai lang Hoàng Long: được trồng khá nhiều ở vùng bãi sông Hoàng Long. Khoai lang Hoàng Long có ruột khoai vàng, bở, thơm, ngọt.

Dê núi Ninh Bình là đặc sản của Ninh Bình nên có điều kiện phát triển tại các khu du lịch lớn như chùa Bái Đính, Vân Long - Kênh Gà. Đoạn Quốc lộ 1 qua Gia Viễn dài gần 4 km cũng phát triển mạnh đặc sản ẩm thực này.

5. Giao thông

Huyện Gia Viễn có Quốc lộ 1 đi qua 3 xã phía Đông với chiều dài hơn 4 km, Quốc lộ 37C đi ngang qua huyện, Quốc lộ 21C xuyên dọc huyện. Ngoài ra còn có 2 tuyến tỉnh lộ nối từ thị trấn Me đi là: tỉnh lộ 477B qua Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tiến đến cố đô Hoa Lư và tỉnh lộ 477C qua Gia Thịnh, Gia Lạc, Gia Phong đến Quỳnh Lưu.

Tuyến đường Bái Đính - Ba Sao đi qua 6 đơn vị hành chính của huyện Gia Viễn là Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Phương, Gia Vượng, Gia Hòa và thị trấn Me.

Giao thông đường thủy trên địa bàn huyện cũng khá thuận lợi với 2 tuyến quốc gia là sông Hoàng Long và sông Đáy.

Theo Quyết định số: 2179/ QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Ninh Bình V/v phê duyệt Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 thì Gia Viễn có các cảng và các bến đò đường thủy sau: Cảng Đế: thuộc xã Gia Phú, huyện Gia Viễn. Cảng Gián Khẩu: tại Gia Trấn - Gia Viễn. Cảng chuyên dụng của nhà máy xi măng Vinakansai: thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn. Các bến cảng sông khác: Bến Gia Thanh, Bến 30, bến Đồng Chưa, bến Cầu Quàng, Bến Viến

6. Nhân vật nổi tiếng thời phong kiến

Đinh Công Trứ -  Là tướng có công giúp Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền trong việc giành lại độc lập cho Việt Nam từ tay Trung Quốc trong thế kỷ 10.

Đinh Tiên Hoàng - Là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt.

Trịnh Tú -  Là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam.

Lưu Cơ -  Là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam.

Đinh Điền - là khai quốc công thần Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh.

Nguyễn Bặc - là khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10.

Đinh Liễn - Là hoàng tử nhà Đinh, con trai cả của Đinh Bộ Lĩnh và là người con trai duy nhất sinh ra, trưởng thành trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi.

Trịnh Lỗi - Công thần Nhà Lê.

Lý Quốc Sư - Quốc sư thời Lý, được ban quốc tính đổi sang họ Lý của Vua Lý Thần Tông. Ông là người sáng lập nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng.

Trương Bá Ngọc - Thái sư thời Lý, bạn của Nguyễn Minh Không, được vua ban thiên tính đổi từ họ Lê sang họ Trương, họ của Ngọc Hoàng Thượng đế.

Đinh Huy Đạo -  Là một nho sĩ yêu nước thời Tây Sơn.