Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024

Thứ ba, 16/04/2024

Tối ngày 16/4 (tức ngày mùng 8 tháng 3 Âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội tổ chức Lễ Khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Đại biểu huyện có đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy; Lãnh đạo HĐND, UBND huyện; Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện; đại biểu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện; đại biểu Lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và bà con Nhân dân 2 xã Gia Thắng và Gia Tiến cùng đông đảo du khách thập phương.

Đền Thánh Nguyễn thuộc vùng đất Đàm Gia Loan xưa, nay giáp ranh hai xã Gia Thắng và Gia Tiến. Đền thánh Nguyễn xưa là chùa Viên Quang, tương truyền do Quốc sư Nguyễn Minh Không lập nên để tu hành. Sau khi ngài mất, để tưởng nhớ công ơn của ngài, nhân dân về sau đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự ngài (trong dân gian thường gọi là đền Thánh Nguyễn), được xưng tụng là một trong "Hoa Lư tứ trấn".

Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Đ/c Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc Lễ hội

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không, giá trị lịch sử văn hóa của di tích lịch sử Quốc gia đền Thánh Nguyễn. Từ đó, phát huy, khai thác giá trị các di sản văn hóa liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không để phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.

Đ/c Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khởi trống khai mạc Lễ hội

Đ/c Hoàng Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khởi chiêng khai mạc Lễ hội

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã thực hiện nghi thức khởi trống, khởi chiêng chính thức khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024.

 Trong chương trình Lễ Khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật sử thi Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn đã tái hiện lại cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Nguyễn Minh Không. Qua đó nhằm ca ngợi công đức to lớn của Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc. Góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch địa phương.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến hết ngày 18/4 (tức từ ngày mùng 8 đến hết ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch). Về với Lễ hội đền Thánh Nguyễn năm 2024, các đại biểu, nhân dân và du khách được thưởng thức không gian văn hóa tâm linh độc đáo của 13 nghi lễ truyền thống thể hiện sự tôn kính với Đức Thánh Nguyễn Minh Không như: Lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, tế cáo yết, hát chầu kệ, lễ rước Bách Thần vào đền Thánh Nguyễn…; được tham gia trải nghiệm các nội dung phần hội đầy đặc sắc, hấp dẫn: khai mạc Phiên chợ Làng Điềm; tổ chức biểu diễn nghệ thuật yoga; tổ chức hoạt động trải nghiệm trong tuyến tour du lịch “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn” và tổ chức Chung kết cuộc thi “Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch năm 2024”; biểu diễn chiếu Chèo và các trò chơi dân gian như: Nhảy bao bố; Bịt mắt bắt vịt; Ô ăn quan; Bơi chải; Giới thiệu, trải nghiệm nấu bánh đúc và mời du khách, nhân dân thưởng thức bánh đúc; Kéo co nữ; Bịt mắt đánh trống; Chung kết bóng chuyền hơi nữ; Cờ tướng - Cờ người; Đánh đu; Giới thiệu, trải nghiệm làm túi thơm bằng thảo dược; Giới thiệu, trải nghiệm làm xà bông thảo dược, sáp thơm thảo dược, sao thuốc dân gian; Nấu trà thảo dược và mời du khách, nhân dân thưởng thức; Viết thư pháp.  

Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai khác giá trị di sản văn hóa của địa phương; bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, phấn đấu đưa Lễ hội Đền Thánh Nguyễn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lê Thảo, Trung tâm VHTT&TT

Bài viết khác