Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Thôn Mai Sơn tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Núi Muôi

Thứ ba, 09/04/2024

Sáng ngày 09/4, thôn Mai Sơn, xã Gia Lạc tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Núi Muôi. Dự lễ có đồng chí Quách Thị Mai Hương, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao; đồng chí Vũ Thị Dược, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND, Trưởng một số ban, ngành, đoàn thể và các đồng chí Bí thư, xóm trưởng, hội, đoàn thể và Nhân dân thôn Mai Sơn.

Đền Núi Muôi toạ lạc trên địa phận thôn Mai Sơn, xã Gia Lạc. Là nơi thờ cúng bà Trần Thị Nguyệt Anh có công phò trợ đất nước và nhân dân, được các triều đại phong kiến ban cấp Sắc phong qua các thời kỳ lịch sử. Bà Trần Thị Nguyệt Anh, vị thần được coi là Mẫu bản phương, cai quản vùng đất, phù giúp cho mưa thuận, gió hoà, nhân dân đời sống ấm no, nhân phong vật thịnh. Ngài được nhân dân nơi đây lập đền thờ trang nghiêm, là tín ngưỡng dân gian truyền thống, mang tính bản địa của dân tộc. Hiện nay, di tích còn lưu giữ được những tư liệu quý, đồ thờ tự có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá. Di tích lịch sử đã gắn liền với nhiều đóng góp trong các thời kỳ lịch sử và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập. Bên cạnh những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đền Núi Muôi còn là nơi bảo lưu được nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Do đó, ngày 28/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhân Đền Núi Muôi là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tại buổi lễ, đồng chí Quách Thị Mai Hương, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao; đồng chí Vũ Thị Dược, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Núi Muôi cho xã Gia Lạc và nhân dân thôn Mai Sơn.  

Kế tục lễ hội truyền thống hằng năm, sáng nay, ngày mùng 01 tháng 3 (Âm lịch), thôn đã tổ chức Lễ hội Tế thánh truyền thống với nghi thức trang trọng như: Dâng hương, tế lễ, các hoạt động văn hoá, văn nghệ,... Các hình thức sinh hoạt văn hóa trên góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đồng thời là sự chuyển giao, tiếp nối của các thế hệ giúp bảo lưu truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

       Kim Thoả, Trung tâm VHTT&TT

Bài viết khác