Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Tổng kết mô hình “Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất dưa an toàn sinh học trên địa bàn huyện”

Thứ sáu, 08/09/2023

Chiều ngày 8/9, tại UBND xã Gia Tiến, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất dưa an toàn sinh học trên địa bàn huyện”. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ huyện; đại diện Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hội Nông dân huyện; chuyên viên các phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo UBND xã Gia Tiến và một số hộ dân trồng đưa trên địa bàn xã Gia Tiến.

Đ/c Giám đốc Trung tâm DVNN huyện trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết mô hình “Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất dưa an toàn sinh học trên địa bàn huyện”.

Người dân phát biểu ý kiến tại Hội nghị

 Với mục tiêu hình thành được vùng sản xuất dưa theo hướng an toàn sinh học với việc thâm canh tăng năng suất chất lượng với 04 vụ/năm gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất mạ theo hướng gia tăng giá trị, để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã xây dựng mô hình sản xuất “Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất dưa an toàn sinh học trên địa bàn xã Gia Tiến”.  Mô hình được thực hiện với 3 loại: cây dưa bở, cây dưa lê, cây dưa chuột với 7 hộ tham gia mô hình. Trong quá trình thực hiện, các hộ dân tham gia mô hình đã được tập huấn các nội dung kĩ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa. Kết quả đánh giá năng suất đối với cây dưa bở vụ 1 đạt hơn 200 tạ/ha, vụ 2 đạt trên 196 tạ/ha; đối với cây dưa lê vụ 1 đạt trên 100 tạ/ha, vụ 2 đạt trên 122 tạ/ha; đối với cây dưa chuột đạt trên 200 tạ/ha. Qua 3 vụ sản xuất lợi nhuận thu được sau khi đã trừ tất cả các chi phí đạt trên 222 triệu đồng/ha (8 triệu đồng/sào), đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình cao gấp 18 lần so với trồng lúa.

Đ/c PCT UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, mô hình đã tạo cho người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng dưa, kiểm soát được các loại sâu bệnh tốt hơn đối với các loại dưa. Mô hình đã tuyên truyền cho người chăn nuôi chấp hành và áp dụng các biện pháp để trồng dưa an toàn sinh học… Đặc biệt, qua mô hình, người nông dân đã có thêm kinh nghiệm về trồng chăm sóc cây dưa mang chất lượng tốt, tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

                     Lê Thảo (Trung tâm VHTT&TT)

Bài viết khác