Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, các em học sinh trên địa bàn huyện sẽ chính thức tựu trường chuẩn bị khai giảng năm học mới theo khung thời gian kế hoạch năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ban hành. Dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực chỉ đạo các trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… sẵn sàng cho năm học mới. Phóng viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện có cuộc phỏng vấn bà Lương Thị Hồng Thúy, HUV, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Bà Lương Thị Hồng Thúy, HUV, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện
Phóng viên: Theo kế hoạch được Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh ban hành, chỉ còn hơn 1 tuần nữa các em học sinh sẽ bắt đầu năm học mới. Vậy xin bà cho biết công tác chỉ đạo về chuẩn bị năm học mới của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện?
Bà Lương Thị Hồng Thúy: Công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2021-2022 được Phòng GDĐT quan tâm chỉ đạo ngay từ khi kết thúc năm học 2020-2021, được các đơn vị triển khai thực hiện trong suốt thời gian hè vừa qua, và hiện nay các trường vẫn đang tích cực thực hiện. Nội dung chỉ đạo tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm:
- Thứ nhất là tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây mới, cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; huy động các nguồn lực để tu bổ khuôn viên, chỉnh trang, làm mới cảnh quan trường lớp; rà soát, khắc phục các hạng mục có nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm bổ sung các trang thiết bị dạy học theo danh mục quy định, đặc biệt là thiết bị dạy học theo chương trình mới.
- Thứ hai là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ về thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng kế hoạch của Bộ GDĐT; đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 được tập huấn đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ trước khi bước vào năm học mới.
- Thứ ba là chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp; đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ mầm non và học sinh phổ thông đến trường. Thông tin kịp thời đến phụ huynh học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 về danh mục sách giáo khoa được nhà trường lựa chọn cho năm học 2021-2022; đồng thời để chủ động trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các trường phối hợp cung ứng sách giáo khoa tập trung theo nguyện vọng và nhu cầu của phụ huynh để bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập trước ngày học chính thức.
- Thứ tư là thực hiện việc rà soát, tham mưu sắp xếp đội ngũ để bảo đảm sự cân đối giữa các đơn vị, khắc phục tình trang thừa thiếu cục bộ; đồng thời rà soát, dự báo những biến động trong năm đối với các trường hợp nghỉ thai sản, nghỉ hưu để có kế hoạch tham mưu kịp thời trong năm học.
Để nắm bắt cụ thể công tác chuẩn bị của các trường, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị, trong tuần vừa qua, Phòng đã tổ chức 3 cuộc họp hiệu trưởng với 3 cấp học, qua đó đã thảo luận và thống nhất các giải pháp khắc phục khó khăn cho từng đơn vị, đặc biệt về vấn đề đội ngũ và cơ sở vật chất. Đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất, đảm bảo kế hoạch thời gian theo Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh.
Phóng viên: Vâng, riêng đối với công tác chỉ đạo đảm bảo cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị như thế nào?
Bà Lương Thị Hồng Thúy: Để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện có; tham mưu đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các hạng mục xuống cấp; đặc biệt quan tâm xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh và có phương án thuê dịch vụ để bảo đảm thường xuyên được giữ gìn vệ sinh.
Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và cấp ủy, chính quyền các xã/thị trấn, nhiều công trình xây dựng đã được hoàn thiện trước thềm năm học mới. Tính riêng các công trình khởi công và hoàn thiện từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã xây dựng mới 150 phòng học, 26 phòng bộ môn, 64 phòng chức năng; cải tạo, sửa chữa 142 phòng học, 32 phòng bộ môn, 60 phòng chức năng và nhiều công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng và sửa chữa trong 03 năm là 218.453.000.000đ. Riếng đối với các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT mới, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện kịp thời bố trí nguồn kinh phí cho các trường trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 6 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, qua báo cáo từ các đơn vị, Phòng GDĐT đã tổng hợp và kịp thời báo cáo UBND huyện, Sở GDĐT về thực trạng CSVC ở 17 trường có hạng mục công trình xuống cấp cần được cải tạo, sửa chữa, xây mới (gồm 2 trường MN, 7 trường TH và 7 trường THC, 1 trường TH&THCS); đồng thời trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thực hiện các phương án khắc phục tạm thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh. Nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường bảo đảm an toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và đã sẵn sàng cho năm học mới.
Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục huyện có những phương án, kế hoạch nào để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh đồng thời đảm bảo khung kế hoạch thời gian năm học?
Bà Lương Thị Hồng Thúy: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, UBND huyện và hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Phòng GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh và triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng dịch cho toàn thể CBQL, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phòng GD&ĐT đã xây dựng các phương án thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 theo hướng dẫn tại Công văn số 1012/SGDĐT-CTTT ngày 20/8/2021 của của Sở GD&ĐT; cụ thể:
1. Về Tổ chức tựu trường và khai giảng năm học 2021-2022:
- Ngày 23/8/2021: Lớp 1 tựu trường; trong tuần đầu tựu trường, học sinh lớp 1 chỉ đến trường 01 buổi/ngày.
- Ngày 01/9/2021: Các cấp học còn lại tựu trường. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non đang sử dụng làm khu cách li dịch bệnh Covid-19 không tựu trường.
- Ngày 05/9/2021: Khai giảng năm học mới. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; không tập trung đông người trong và ngoài trường; hạn chế tiếp xúc giữa các lớp; bố trí khu vực, thời gian đưa đón học sinh hợp lí, tránh ùn tắc, giảm tiếp xúc đông người.
2. Về xây dựng các phương án tổ chức dạy và học năm học 2021-2022 phù hợp với điều kiện nhà trường, thực tế địa phương và diễn biến tình hình dịch bệnh
2.1. Phương án 1: Toàn huyện kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không có ca nhiễm Covid-19 lây lan ngoài cộng đồng
- Đối với giáo dục mầm non: thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định. Riêng các trường mầm non đang sử dụng làm khu cách ly: Yêu cầu nhà trường lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết trong chương trình, xây dựng video, thiết lập các kênh thông tin (qua zalo, viber...) giữa giáo viên và cha mẹ/người chăm sóc trẻ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà; đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, kết quả mong đợi ở từng độ tuổi.
- Đối với giáo dục tiểu học và THCS: Học sinh đi học bình thường, không tổ chức ăn bán trú tại trường; không tổ chức chào cờ, các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục kĩ năng sống, hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người trên sân trường. Chỉ đạo cán bộ, giáo viên tích cực xây dựng nguồn học liệu, các bài giảng điện tử theo phân công của Phòng để sử dụng thường xuyên trong quá trình dạy học hoặc dạy học trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường.
- Yêu cầu các trường học chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế thiết yếu hỗ trợ phòng, chống dịch; bố trí phòng cách li tạm thời tại chỗ khi có trường hợp nghi ngờ lây nhiễm tại trường trước khi chuyển đến các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương về vệ sinh khử khuẩn đơn vị, trường học; có phương án test nhanh kháng nguyên khi có các trường hợp nghi ngờ mắc dịch Covid-19; đối với bộ phận tiếp xúc với nhiều người: sử dụng kính chắn giọt bắn, lắp đặt hệ thống vách ngăn trong suốt (nếu có); bố trí dung dịch sát khuẩn; nhật kí khách đến cơ quan, đơn vị…
- Cán bộ, giáo viên, học sinh đến trường thực hiện đeo khẩu trang 100% trong thời gian tiếp xúc làm việc, dạy và học; đo thân nhiệt và thường xuyên sát khuẩn tay.
2.2. Phương án 2: Toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 (hoặc đối với các địa phương thực hiện giãn cách)
- Đối với giáo dục mầm non: Trẻ dừng đến trường; các trường thực hiện chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà; đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, kết quả mong đợi ở từng độ tuổi như đối với các trường đang sử dụng làm khu cách ly ở trên; đồng thời phòng GD&ĐT xây dựng kho tài liệu, học liệu ngân hàng video,... phù hợp với điều kiện của từng đơn vị để hỗ trợ các trường hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
- Đối với giáo dục tiểu học và THCS: Các trường Chia đôi lớp học, một nửa học buổi sáng, một nửa học buổi chiều. Không tổ chức chào cờ, các hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục kĩ năng sống, dạy thêm, học thêm, hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người trên sân trường. Kích hoạt tài khoản dạy học trực tuyến (thông qua các ứng dụng dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet hoặc các ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến), chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng dạy học trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường.
- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như Phương án 1.
2.3. Phương án 3: Toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 (hoặc đối với các địa phương thực hiện giãn cách)
- Đối với giáo dục mầm non: Thực hiện như Phương án 2.
- Đối với giáo dục tiểu học và THCS: Các trường kích hoạt tài khoản và tổ chức dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh học tập thông qua các ứng dụng khác (nếu có) như zalo, fb, email… Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ dạy học, đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường và của ngành; xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá trực tuyến phù hợp.
Đối với những học sinh khó khăn thiếu điều kiện học trực tuyến, nhà trường phải có phương án giao bài học, bài tập phù hợp; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy bổ sung kiến thức cho học sinh sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và không còn thực hiện giãn cách.
- Đối với học sinh lớp 9: trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh dừng đến trường kéo dài, Phòng sẽ chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh học trên truyền hình Ninh Bình theo kế hoạch của Sở, kết hợp với việc tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh.
3. Để chủ động và đảm bảo điều kiện thực hiện các phương án đã xây dựng, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị:
- Chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu dạy - học; tổ chức hoạt động dạy và học theo Phương án 1.
- Tuỳ theo diễn biến tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, của địa phương, các trường học áp dụng các Phương án dạy học cho phù hợp, đảm bảo tối thiểu những yêu cầu trong các Phương án gợi ý nêu trên.
- Đối với học sinh trở về từ vùng dịch, phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế, phân công giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh, có phương án giao bài học, bài tập phù hợp hoặc tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến cho học sinh; tiếp nhận lại học sinh khi đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Lê Thảo - Trung tâm VHTT&TT