Gác lại những tất bật, lo toan của một năm đầy vất vả, những ngày cuối năm, người ta háo hức, hối hả ra chợ sắm những thứ cần thiết để trang trí nhà cửa cũng như chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết. Mỗi dịp Tết đến cứ vào khoảng 23 tháng Chạp trở đi thì không khí chuẩn bị cho ngày Tết trở nên náo nhiệt hơn, tấp nập người bán, người mua; nếu chợ Tết ở các phố phường luôn tràn đầy màu sắc của hoa, của các món đồ trang trí Tết rực rỡ… thì chợ Tết ở quê lại mang nét bình dị và hết sức gần gũi, thân thương với những nải chuối, buồng cau, quả cam, quả bưởi … Xã hội phát triển nên những phiên chợ ngày Tết cũng có nhiều thay đổi: mặt hàng bày bán phong phú hơn để đảm bảo nhu cầu của con người, chợ cũng được mở rộng hơn so với trước kia. Nhưng hồn quê trong phiên chợ ngày Tết thì chưa bao giờ bị mai một.
Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đã đến chợ, bầy biện hàng hóa là những sản vật cây nhà lá vườn khiến cho người đi chợ Tết cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và mộc mạc, chân chất của thôn quê; còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon và để đỡ đông người. Phiên chợ quê ngày Tết thường họp đến đầu giờ chiều, nếu càng vào những ngày giáp Tết, chợ sẽ họp cả ngày. Càng những ngày cận tết thì những phiên chợ càng trở nên tấp nập. Các bà, các mẹ đi chợ tất bật tìm mua cho đủ những thứ cần thiết, còn những đứa trẻ thì háo hức để đợi được mua quần áo mới. Cho đến bây giờ, với những đứa trẻ quê, Tết là vui mừng vì có được mộ bộ quần áo đẹp, được mặc đi chúc Tết, chơi xuân. Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cành đào, nhưng quan trọng là để tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê.
Đến những phiên chợ quê vào dịp này, người ta còn cảm nhận được hương vị rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong giềng… Đi chợ quê, ngoài mua sắm còn là để thưởng thức chút quà quê. Mọi người ngồi ở hàng, ăn tấm bánh, bát cháo, trò chuyện với nhau đôi ba câu chuyện. Ở quê mọi người thân nhau, biết đến chuyện của nhau nhiều hơn cũng là từ những câu chuyện bên hàng quà của phiên chợ quê. Ngày Tết dù bận rộn nhưng cũng không ai bỏ qua những món quà quê ấy.
Mùa xuân mới đã chạm ngõ từng nếp nhà; người người, nhà nhà đang tất bật đi chợ sắm Tết. Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, ai ai cũng ý thức được phải bảo vệ mình thật tốt trước đại dịch COVID-19 để mùa xuân mới này tất cả đều được sống trong sự an lành, hạnh phúc. Chợ Tết, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Sự tấp nập, nhộn nhịp của chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa, vừa chứng tỏ một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc của người Việt Nam./.
Hồng Hạ, Lê Thảo, Cẩm Vân - Trung tâm VHTT&TT