Sáng ngày 31/12, UBND huyện tổ chức Hội nghị khảo sát vùng trồng dưa gắn với nhãn mác truy suất nguồn gốc; sản phẩm du lịch và định hướng trang trí các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Văn hóa và Thông tin, Văn phòng HĐND&UBND huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm VHTT&TT huyện; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân, Hội LHPN huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ văn hóa xã Gia Phương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ văn hóa các xã Gia Tiến và Gia Thắng.
Các đồng chí đại biểu dự hội nghị đã tiến hành khảo sát các khu vực trồng dưa ở các xã Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Phương và một số di tích lịch sử trên địa bàn ba xã. Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương là vùng đất trồng dưa bở lâu đời của huyện ta. Chất đất ở nơi đây rất phù hợp và tạo cho quả dưa bở có hương vị riêng, rất thơm ngon và đậm đà. Tuy nhiên, do việc sản xuất chưa đúng kỹ thuật nên làm cho đất mất chất dinh dưỡng, dưa bị bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kỹ thuật trồng cây dưa bở, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được UBND huyện giao triển khai thực hiện mô hình trồng dưa bở an toàn gắn với nhãn mác truy suất nguồn gốc, từng bước xây dựng dưa bở trở thành sản phẩm du lịch vùng miền đặc trưng của huyện. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lựa chọn xã Gia Tiến là nơi triển khai mô hình. Khi tham gia mô hình, các hộ nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thuốc bảo vệ thực vật sinh học, 50% chi phí giống, phân bón và các vật tư khác. Dự tính thu nhập từ 1ha dưa bở đạt 66 triệu đồng. Nếu trồng bốn vụ gối nhau dưa bở, dưa lê, dưa chuột sẽ cho thu nhập trên 318 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 13 lần so với trồng lúa.
Sau khi nghe các đại biểu đóng góp ý kiến việc triển khai thực hiện mô hình trồng dưa bở an toàn, đồng chí Vũ Thị Dược, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch triển khai mô hình một cách chi tiết, đề xuất những hỗ trợ cụ thể đối với người dân khi tham gia mô hình; tổ chức chuyển giao KHKT, hỗ trợ người dân cải thiện chất đất, phối hợp với Hội Nông dân huyện xây dựng các kênh quảng bá và đầu ra cho sản phẩm. UBND xã Gia Thắng vận động nhân dân đăng ký tham gia mô hình, xây dựng tổ hợp tác để liên kết các hộ nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Về định hướng trang trí các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các địa phương khẩn trương tiến hành dọn vệ sinh trong các điểm di tích và trên đường vào di tích; căng treo cờ, băng zôn mừng năm mới nhằm tạo không khí vui tươi, rộn ràng trước thềm năm mới Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Giao Trung tâm VHTT&TT huyện hỗ trợ các xã một số băng zôn, cờ hồng, phối hợp cùng các xã khảo sát tuyến đường vào các khu di tích để xây dựng đường cờ. Đề nghị Hội LHPN huyện phối hợp với UBND các xã xây dựng đường hoa, cây xanh trên đường vào các khu di tích./.
Cẩm Vân- Trung tâm VHTT&TT