Vụ Xuân 2022, mô hình sản xuất thử nghiệm giống lạc CNC1 được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai trên diện tích 01 ha tại xã Liên Sơn. Giống lạc đen là giống lạc truyền thống ở Nghệ An, hạt lạc đen có màu tím sẫm, có đặc điểm khác biệt các giống lạc thông thường đó là có giá trị dinh dưỡng và dược lý cao, được các nước phát triển sử dụng nhiều, thị trường trong nước ưa chuộng.
Qua quá trình thử nghiệm các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đã đánh giá cao giống lạc CNC1 về khả năng sinh trưởng; về năng suất, chất lượng; khả năng kháng bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Giống lạc đen CNC1 có nhiều ưu điểm vượt trội: Thời gian sinh trưởng phát triển vụ Xuân là 123 ngày, cây sinh trưởng phát triển khoẻ. Dạng hình cây gọn, thân đứng. Lá màu xanh đậm. Hoa đậu tập trung. Quả to và đều. Tỷ lệ quả chắc cao. Hạt màu đen, ăn ngon, ngọt, thơm bùi. Năng suất cao hơn 15-20%. Khả năng chống chịu với bệnh héo xanh, đốm nâu và thối đen cổ rễ tốt hơn giống đối chứng. Năng suất ước đạt 120kg/sào (33,3 tạ/ha); hiệu quả kinh tế ước đạt trung bình 8 triệu/sào (trên 200 triệu/ha), cao gấp 8 lần so với trồng lúa.
Việc chuyển những diện tích đất không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế như lạc đen có thể nói là giải pháp hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả, và đã mang lại kết quả rất khả thi, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Ông Bùi An Khang, Giám đốc TTDV nông nghiệp huyện cho biết: Tính ưu việt và ưu thế của cây lạc đen có năng xuất gấp 1,5 lần so với lạc thông thường ở địa phương, hiệu quả kinh tế, giá bán trên thị trường cao gấp 2 lần so với lạc trắng cũng như lạc đỏ do đó hiệu quả kinh tế so với trồng lúa cao gấp 8 lần.
Từ hiệu quả của các mô hình chuyển đổi, nhiều nông dân đã nhân rộng mô hình và đã mang lại những kết quả rất khả quan.
Thực hiện mô hình trồng cây lạc đen hữu cơ thời gian qua ông Phạm Ngọc Khuê, xóm 1 xã Liên Sơn cho biết: Gia đình tôi trồng 3 sào lạc đen theo hướng hữu cơ của đề tài của TT Dịch vụ nông nghiệp huyện. Tôi thấy mô hình lạc đen này đã cho hiệu quả hơn hẳn các cây trồng khác như cây không bị sâu bệnh, phù hợp với đồng đất của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai nhân rộng mô hình này trên những diện tích đất sản xuất nông nghiệp vốn trước đây bị bỏ hoang nhằm giúp bà con thay đổi phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao trình độ thâm canh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân.
Với những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện, đây chính là cơ sở để hình thành các vùng sản xuất, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từ đó sẽ nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Hồng Hạ (Trung tâm VHTT &TT)