Sáng ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến (3 cấp) kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tại UBND các quận, huyện trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND huyện Gia Viễn có đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Phạm Văn Hội, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện; đại diện Lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành và các đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị, nhất là trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải có ngay những giải pháp cấp bách, khả thi để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các vụ cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc, thẳng thắn, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp trước mắt và lâu dài, mang tính khả thi, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho nhà nước và người dân.
Theo báo cáo của Bộ Công an: Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó: 1.616 vụ cháy, 1.311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, làm bị thương 101 người, về tài sản ước tính thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng. Xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên các mặt công tác. Qua đó, công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức, kiến thức về PCCC của người dân được nâng lên, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an các địa phương đã nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. 10 tháng đầu năm tổ chức chữa cháy, CNCH 2.493/3.930 vụ cháy, tai nạn, sự cố. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 885 người; tìm kiếm được 782 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy và sự cố, tai nạn; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 270 tỷ đồng trong các vụ cháy. Lực lượng tại chỗ và nhân dân tổ chức dật tắt 1.437/3.930 vụ cháy, sự cố cháy…
Trên địa bàn huyện Gia Viễn, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng từ huyện đến cơ sở đã tích cực cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng nhiều biện pháp, việc làm đồng bộ, cụ thể, sát với tình hình thực tiễn.
10 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy nổ nào. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 783 cơ sở qua đó đã kí tuyên truyền, kí cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lí về PCCC, đồng thời lập biên bản vi phạm đối với 86 cơ sở, phạt tiền gần 33 triệu đồng.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước đó là chú trọng công tác an ninh, an toàn, trong đó có an toàn về PCCC và CNCH. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức, cách làm, cách tiếp cận đối với nhiệm vụ này. Đặt nhiệm vụ PCCC và CNCH dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá cao nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được trong công tác PCCC&CNCH của các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, bình yên cuộc sống cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chỉ ra các hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác này, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ lớn trọng tâm:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước. Quán triệt và thực thi hiệu quả các văn bản chỉ đạo về PCCC của Đảng và Nhà nước;
2. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng của người dân trong phòng chống cháy nổ;
3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực trong PCCC, đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra;
4. Hoàn thiện các thể chế, quy định, quy trình, tiêu chuẩn quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm;
5. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong thực thi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao năng lực của lực lượng PCCC ở các địa phương, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng cho công tác PCCC.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và yêu cầu phải thực hiện và hoàn thành sớm các nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả, nghiêm minh công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.
Lê Thảo (Trung tâm VHTT&TT)