Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Huyện Gia Viễn phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ gắn với xây dựng định hướng du lịch cộng đồng và phát triển kinh tế huyện nhà

Thứ sáu, 22/09/2023

Là huyện có bề dày và chiều dài về lịch sử với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng với sự tồn tại và phát triển của phong trào văn hoá, văn nghệ với nhiều loại hình truyền thống cũng như hiện đại. Sự kết hợp giữa giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Gia Viễn, trở thành nguồn lực vô giá cho hôm nay và mai sau. Để tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị mà thiên nhiên lịch sử đã ban tặng tạo nên nét đẹp riêng của vùng đất và con người Gia Viễn trong những năm qua huyện đã xây dựng và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ gắn với xây dựng định hướng du lịch cộng đồng và phát triển kinh tế huyện nhà. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Thị Dược, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa đồng chí, đồng chí cho biết chủ trương của huyện về phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ gắn với xây dựng định hướng du lịch cộng đồng và phát triển kinh tế huyện nhà?

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện: Đối với huyện Gia Viễn là huyện có chiều dài và bề dày về lịch sử, do đó trong thời gia qua được sự quan tâm của cấp uỷ đảng các câu lạc bộ (CLB) văn hoá văn nghệ (VHVN) tuyến cơ sở hoạt động tốt và đi sâu vào chuyên môn có hiệu quả cũng như tạo được phong trào sôi nổi để thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Gắn chương trình phát triển phong trào VHVN, định hướng phát triển du lịch đồng hành với phát triển kinh tế-xã hội của huyện nhà, thời gian qua huyện có chủ trương rất rõ ràng.

Đầu tiên là giao cho ngành giáo dục thành lập các CLB trong các trường học. Từ đó xây dựng nên điệu cờ lau tập trận. Đó là một vũ điệu đặc trưng gắn với miền đất lịch sử của quê hương Gia Viễn sinh ra Vua Đinh Tiên Hoàng. Vũ điệu Cờ lau đã thể hiện được nét riêng văn hoá thấm đẫm từ học sinh. Qua đây là kênh truyền thông tốt nhất để người dân hiểu rõ về bản sắc văn hoá quê hương anh hùng cách mạng.

Thứ hai là phát triển trong nhân dân vào các CLB VHVN như là CLB Chèo, CLB nhạc cụ dân tộc. Qua những CLB này sẽ xây dựng thành những CLB gắn với định hướng phát triển kinh tế nhằm tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân qua mô hình du lịch cộng đồng, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập đến nữa là phát triển các nhân tố VHVN thông qua các kênh cũng như qua việc lãnh đạo, chỉ đạo của huyện. Vì vậy, đã có nhiều chương trình mở rộng hợp tác để có được sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều đối tác, con em quê hương. Từ đó có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất tốt nhất, có chương trình tập huấn cho toàn bộ người dân và hội viên phụ nữ, giáo viên âm nhạc cũng như học sinh yêu văn nghệ về hát chèo, hát xẩm và sử dụng nhạc cụ dân tộc giúp cho các CLB phát triển tốt hơn, đi sâu về chuyên môm sâu hơn. Duy trì các CLB này để làm nổi bật bản sắc văn hoá dân tộc và phục vụ cho du lịch ở địa phương.

PV: Ngoài các giải pháp đã thực hiện thì huyện có phương án gì để hỗ trợ kinh phí để cho các CLB duy trì hoạt động, duy trì hạt nhân văn hoá, văn nghệ ở cơ sở bền vững lâu dài thưa đồng chí?

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện: Đối với vấn đề này ngoài sự huy động các nguồn hỗ trợ đóng góp, huyện có nguồn kinh phí của sự nghiệp văn hoá được cấp về cho các đơn vị địa phương. Đồng thời, lồng ghép vào trong đó là các nguồn sự nghiệp khác để tạo nên một phong trào VHVN. Đặc biệt là việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, tận dụng hạ tầng các nhà văn hoá thôn ở địa phương. Từ đường truyền Internet, cũng như hệ thống mạng máy tính được trang bị đầy đủ đảm bảo phục vụ cho hoạt động VHVN đã được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu Quốc gia trước đây. Cùng với đó tìm ra những nhân tố văn hoá văn nghệ trong nhân dân, mọi lứa tuổi. Trên cơ sở đó gây dựng nên nền tảng cho các CLB hoạt động tốt hơn. Ngoài hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, huyện cũng có những chương trình kết hợp với những ngày lễ lớn để cho người dân có cơ hội biểu diễn cũng như là trải nghiệm, thực nghiệm ở trên sân khấu, để sau này đưa những chương trình vào thực tế thì người dân có cơ hội thể hiện về những năng khiếu của mình.

PV: Trong thời gian qua huyện đã có nhiều chương trình xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của huyện. Vậy thời gian tới, huyện tiếp tục quảng bá, xây dựng các chương trình như nào để thu hút du khách trải nghiệm thưa đồng chí?

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện: Với định hướng thực hiện chính sách của Đảng, của Nhà nước cũng như của tỉnh, BCH Đảng bộ huyện đưa ra Nghị quyết phát triển du lịch gắn với định hướng phát triển, bảo tồn phát huy giá trị văn hoá địa phương và du lịch xanh với một vùng “nơi bắt đầu”. Do đó mà huyện đưa ra định hướng sẽ gắn tour tìm về cuội nguồn với việc phát triển các khu di sản Tràng An hoặc cố đô Hoa Lư, tạo ra một chuỗi vệ tinh xung quanh di sản Tràng An và hình thành tuyến tour. Hiện tại huyện đã hình thành 3 tuyến tour. Cùng song hành với Bái Đính về đêm có Tour du lịch Vân Long xanh theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng và tìm về cuội nguồn Đức Thánh Nguyễn. Theo đó cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất cũng như xây dựng quy chế hoạt động của các khu du lịch để đón khách du lịch. Huyện đã mở rộng bằng hình thức phát triển CLB VHVN Du lịch cộng đồng tạo nên nhiều điểm du lịch mang bản sắc quê hương thu hút du khách trải nghiệm. Điển hình như tập trận cờ lau tại Thung Lau, hay nghe những tiếng trống chèo gắn với nghe nhạc cụ dân tộc tại khu vực kẽm trống của Vân Long. Mục đích là để hình thành các CLB đạt tiêu chuẩn để được hỗ trợ kinh phí của tuyến tỉnh, tạo nên hiệu ứng tốt trong nhân dân. Sớm hoàn thành định hướng, chủ trương của huyện đã đề ra và nhằm phát triển trở thành những vệ tinh kết nối điểm trung tâm Di sản Tràng An./.

 Kim Thoả, Trung tâm VHTT&TT  

Bài viết khác