Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Thứ tư, 07/02/2024

Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, vì thế các đối tượng làm ăn bất chính thường lợi dụng điều này để sản xuất, vận chuyển và đưa vào thị trường tiêu thụ các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mùa Tết là nhiệm vụ rất quan trọng, được lực lượng chức năng tập trung thực hiện nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân. Để hiểu rõ thêm, phóng viên Trung tâm VHTT&TT huyện có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3. Sau đây là cuộc phỏng vấn:

PV: Thưa đồng chí, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh được Đội Quản lý thị trường số 3 triển khai và thực hiện như thế nào?

Đồng chí Phạm Văn Hùng: Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2023; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường…Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

PV: Xin đồng chí cho biết, Đội QLTT số 3 đã có những giải pháp nào để ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Đồng chí Phạm Văn Hùng: Cuối năm cũng là dịp các đối tượng lợi dụng tâm lý nhu cầu tiêu dùng cao hơn có thể trà trộn, lét lút đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong lưu thông và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Bên cạnh đó, việc mua bán hàng hóa qua mạng phát triển mạnh, khả năng kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách Nhà nước, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thực hiện kế hoạch cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, Đội QLTT phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai, chủ động nắm tình hình, địa bàn, thu thập thông tin để xác định đối tượng vi phạm, từ đó có phương án đấu tranh xử lý có hiệu quả theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân đồng tình, hỗ trợ, sẵn sàng cung cấp thông tin các trường hợp vi phạm. Đối tượng chú ý kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; xăng dầu, khí hóa lỏng; thuốc chữa bệnh cho người và gia súc; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng…Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Bên cạnh đó,  Đội QLTT quản lý tốt địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, giám sát, kiểm tra, xử lý tập trung các nhóm hàng hóa bao gồm thực phẩm tươi sống, quần áo, rượu bia, nước giải khát, hàng tiêu dùng,… Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để mọi người, mọi nhà vui Xuân đón Tết an toàn, tiết kiệm.

PV: Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, theo đồng chí người dân cần thực hiện các biện pháp gì để trở thành “người tiêu dùng thông thái”

Đồng chí Phạm Văn Hùng: Trước hết, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật, cũng như kiến thức về tiêu dùng, đặc biệt khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có khả năng kiểm soát đối với những chiêu thức kinh doanh khác biệt mới xuất hiện, đặc biệt là hình thức kinh doanh qua mạng Internet đang nở rộ hiện nay. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua hàng nên chọn mua sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín, không nên mua hàng hóa trôi nổi, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nhất là những mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

PV: Vâng xin cám ơn đồng chí!

Hồng Hạ, Trung tâm VHTT&TT

Bài viết khác