Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Ký ức của người Cựu chiến binh về đại thắng mùa xuân năm 1975

Thứ tư, 27/04/2022

47 năm đã đi qua nhưng những ký ức về đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn nguyên trong tâm trí của những người đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Những ngày tháng lịch sử ấy không thể nào quên, nhất là những người trực tiếp tham gia và đã chứng kiến một khí thế tiến công vô cùng vĩ đại của quân và dân ta, từ đó đã để lại ấn tượng khá sâu đậm không hề phai nhòa trong ký ức của mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Tuyển, Hội viên CCB thôn 3 xã Gia Trấn từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Hoàn thành binh nghiệp, trở về với quê hương, ông Tuyển luôn phát huy phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong trong các phong trào thi của địa phương. Năm 1970, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Nguyễn Huy Tuyển đã cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ông Tuyển kể “Ngày 7/3/1975, Trung đoàn 148 nhận lệnh xuất phát. Trên đường hành quân chúng tôi đã chạm trán với địch, pháo từ thị xã bắn ra chặn đường buộc đơn vị phải đi đường vòng. Đường xa, đi đêm, anh em không nắm rõ đường hướng nên vừa đi vừa mò mẫm dò đường, nhưng rồi chúng tôi vẫn vào trận địa đúng thời gian quy định. Đúng 1 giờ 30 phút sáng ngày 10 tháng 3, Trung đoàn Đặc công của ta nổ súng phát lệnh tổng tấn công, tất cả các mũi đồng loạt nổ súng tiến công theo kế hoạch đã định. Riêng mũi Tây Bắc của chúng tôi do pháo và xe tăng chi viện cho Trung đoàn bị lạc đường nên mãi 9 giờ mới bắt đầu tiến công. Ngay sau khi Tiểu đoàn 4 mở cửa ở mũi tiến công chính, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng chiếm được khu thiết giáp rồi chiếm khu hậu cứ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 địch. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, các chiến sỹ trong tiểu đoàn đã chiến đấu rất anh dũng và nhiều người trong số đó đã hy sinh”.

Theo kế hoạch của Mặt trận dự kiến sẽ phải mất ít nhất từ 4 đến 5 ngày mới hoàn thành chiến dịch, song với sự nỗ lực, tài chí và quyết tâm của anh em chiến sỹ mà chỉ trong vòng 2 ngày đêm, Sư đoàn 316 cùng các đơn vị bạn đã chiếm lĩnh thị xã Buôn Ma Thuột. Sau 3 ngày ráo riết truy quét tàn quân của địch, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột đã thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau khi hoàn thành chiến dịch Tây Nguyên, ngày 27 tháng 3 Sư đoàn nhận lệnh tiếp tục tiến vào Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông nghẹn ngào nhớ lại: “Khi biết tin chiến thắng chúng tôi chỉ nghĩ mình đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho mà đâu biết rằng, khoảnh khắc này, thời điểm này quan trọng, ý nghĩa và đáng nhớ nhất trong đời người lính. Lúc đó, anh em, đồng đội ôm chầm lấy nhau, vừa cười vừa khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” và hát vang những bài ca chiến thắng. Niềm vui chiến thắng cứ kéo dài mãi, là động lực để chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ trong những ngày sau giải phóng”.

47 năm đã trôi qua, giờ đây ký ức về không khí sục sôi, chiến đấu dồn dập khắp các chiến trường miền Nam, tin chiến thắng báo về từ các mặt trận qua chiếc radio nhỏ của người lính, niềm tin thống nhất, Nam - Bắc một nhà sum họp càng thêm vững chắc hơn. Đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông Tuyển mỗi dịp tháng tư về. Chiến tranh qua đi, gác lại ký ức của một thời bom đạn, ông Tuyển trở về quê hương tích cực vận động con cháu thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Phát huy phẩm chất Bộ Đội Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Hồng Hạ - Trung tâm VHTT&TT

 

Bài viết khác