Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Thôn Vân Thị, xã Gia Tân giữ gìn nghề đan cót truyền thống

Chủ nhật, 07/05/2023

Thôn Vân Thị, xã Gia Tân có nghề đan cót từ hàng trăm năm nay. Nơi đây, từ xa xưa nghề được các thế hệ truyền nối cho nhau trong mỗi gia đình. Mặc dù trải qua không ít thăng trầm nhưng đến nay nghề đan cót truyền thống ở đây vẫn tồn tại, tạo việc làm cho mọi đối tượng lao động, tận dụng thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

 Bà Trần Thị Thúy, thôn Vân Thị vừa thoăn thoắt đan cót, vừa kể: Trước đây, bà con đan cót không kể sớm tối, cứ rảnh rỗi lúc nào là đan lúc đó. Nghề đan cót giống một số nghề thủ công đan lát khác ở chỗ tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi lao động. Những hộ dân ngoài làm nông nghiệp là nghề chính thì có thêm nghề phụ đan cót. Trước đây thì để ra thành phẩm được thì phải qua nhiều công đoạn, ngâm tre, luồng, rồi chẻ nan nhưng bây giờ máy móc hiện đại, có sẵn nan để đan. Một ngày một người có thể đan được từ 15 đến 17 tấm cho thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày. Vậy nên có lúc "nghề phụ" mà cho thu nhập chính, vừa có thêm tiền để chi tiêu trang trải đời sống, vừa tránh được sự "nhàn cư vi bất thiện".

Tuy nhiên, trước đây việc duy trì nghề đan cót đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do sản phẩm phải cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm mới, việc tiêu thụ khó khăn nên giá trị ngày công lao động thấp; nhiều lao động trong độ tuổi buộc phải tìm nghề khác có thu nhập khá hơn, không còn muốn gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, nhóm nghề này ít được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường nên không khuyến khích người dân cải tiến, mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Mặc dù thị trường đã có nhiều thay đổi, nhu cầu đối với các sản phẩm ở làng nghề không còn như xưa song nghề vẫn còn phù hợp với một bộ phận người lao động tại chỗ. Trong xu hướng thế giới ngày càng quan tâm đến tiêu dùng thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên và làm thủ công, nghề đan cót truyền thống vẫn có nhiều cơ hội duy trì và có thể cải tiến để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ thuật.

 Là người đã gắn bó với nghề đan cót nhiều năm, đứng trước khó khăn thách thức, anh Phạm Xuân Minh đã tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cót thành phẩm cho bà con trong thôn. Anh Minh cho biết: “Đầu năm 2022, tôi đã tìm được nơi cung cấp sản xuất nan tre có chất lượng để cung ứng cho bà con với nan tre được chẻ bằng máy, năng suất lao động của người dân được nâng lên rất nhiều. Và tôi cũng đã tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Hiện nay, các sản phẩm cót được làm thành các sản phẩm bàn, ghế, các đồ vật dụng trong gia đình và được xuất khẩu sang các nước trên thế giới”. 

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Hiện nghề đan cót phát triển tốt ở thôn Vân Thị và cũng phát triển sang một số làng khác trong xã.  Để tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn làng nghề truyền thống, UBND xã tuyên truyền các hộ làm nghề tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại để phát triển thị trường cho sản phẩm làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lao động nông thôn, duy trì cuộc sống ổn định”.

Dẫu chưa phải là nghề cho nông dân địa phương làm giàu song nghề đan cót truyền thống của thôn Vân Thị cũng đã trở thành một phần bản sắc văn hóa của địa phương, với những nét đẹp giá trị về sự cần cù, chăm chỉ "chịu thương, chịu khó" và khéo léo.

 Lê Thảo (Trung tâm VHTT&TT)

Bài viết khác