Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Gương nông dân làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp

Chủ nhật, 23/10/2022

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Gia Phong đã xuất hiện những tấm gương hội viên nông dân vượt khó làm kinh tế giỏi. Trong đó, Hội viên Hội Nông dân có anh Chu Khắc Thành, sinh năm 1988 và chị Phạm Thị Minh Thảo, 1989, ở thôn 4, Lỗi Sơn xã Gia Phong là tấm gương điển hình vươn lên làm kinh tế ở địa phương.

Cũng như bao gia đình làm nông khác, khi mới lập gia đình vợ chồng anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo cũng không có việc gì ngoài làm mấy sào ruộng, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống. Nhưng là người chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng anh chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 Qua khảo sát các điều kiện về thổ nhưỡng, nguồn nước tại phương, năm 2019 gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và dồn đổi ruộng của các hộ dân cùng vùng có tổng diện tích là 2 mẫu để phát triển mô hình VAC tổng hợp. Mô hình có 3 ao cá với diện tích khoảng 4.000m2, kết hợp chăn nuôi lợn thương phẩm, nuôi ba ba, gia cầm, thuỷ cầm, mở đại lý thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả trên bờ phục vụ cho gia đình.

Kể về thời gian đầu khởi nghiệp gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có nhiều vốn đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Do đó có những thời điểm gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh mà trong đó bản thân gia đình chưa có kiến thức về thú y, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhất là đối với đàn lợn, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã chết lên đến 100 con với tổng trọng lượng gần 1 tấn, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Trước những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi, với nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, qua các kênh thông tin khác nhau để áp dụng phát triển mô hình. Điều quan trọng là gia đình tìm hướng đi đúng, áp dụng phương pháp chăn nuôi gối vụ phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương. Do đó, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến nền kinh tế thị trường, thị trường tiêu thụ thực phẩm nhưng mô hình vẫn phát triển hiệu quả.

Từ mô hình đã cho gia đình anh thu mỗi năm 6 lứa cá, 4 lứa lợn, mỗi năm xuất khoảng 7.500 con gia cầm, thuỷ cầm, xuất trên 200 tấn cám thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, Ba Ba cho thu nhập khoảng 500 triệu/năm đã trừ các khoản chi phí.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ, mô hình phát triển kinh tế của gia đình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ. Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và cơ sở chăn nuôi, chúng tôi biết đó là thành quả lao động miệt mài, chăm chỉ của gia đình thời gian qua.

Ngoài việc phát triển kinh tế, anh, chị còn là hội viên nông dân, phụ nữ tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình hội viên kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.

Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội, vừa qua tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2022, gia đình anh chị được Hội Nông dân huyện khen thưởng là gia đình hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh chị không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

 

Kim Thoả - Trung tâm VHTT&TT huyện

Bài viết khác