Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đây cũng là cơ hội để những đối tượng xấu cố tình trà trộn hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng cấm vào thị trường để trục lợi bất chính. Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 triển khai nhiều biện pháp, siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo mang những điều tốt nhất cho người tiêu dùng. Phóng viên Trung tâm VH-TT&TT huyện có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hùng, Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3.
Câu 1: Xin ông cho biết, Đội quản lý thị trường đã có những giải pháp nào để ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, cũng như đảm bảo VSATTP?
Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, chúng tôi đặc biệt quan tâm, tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường dịp cuối năm để đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường, đảm bảo cho nhân dân đón Tết đầy đủ, an toàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
Cùng với đó, Đội cũng triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả; tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm liên quan đến người sản xuất, kinh doanh… Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn đúng đắn về hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời tố giác, tẩy chay đối với các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc các loại hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm về ATTP.
Câu 2: Đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tập trung vào những nội dung chính nào, thưa ông?
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đội quản lý thị trường số 3 đã xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong đợt cao điểm này, Đội sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn như: điện tử, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... Xử lý kịp thời hành vi vận chuyển, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vật liệu nổ, pháo nổ; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, kiểm tra công tác đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Đội cũng tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời phát hiện và kiểm tra các cơ sở kinh doanh có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói), công bố chất lượng, thực hiện quy định về ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ để kịp thời phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Câu 3: Vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh về cơ bản đã chuẩn bị hàng với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Theo kinh nghiệm của các năm trước, người dân thường có thói quen tập trung mua hàng vào thời điểm cận Tết. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chủ quan. Tại thời điểm này, chúng tôi thường xuyên trao đổi và phối hợp với các ngành chức năng thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, nắm bắt địa bàn, tình hình cụ thể nguồn hàng cung cấp từ các nơi khi tập kết về địa bàn.
Việc kiểm tra sẽ tập trung ở các địa bàn có sức tiêu thụ lớn như: trung tâm mua sắm, siêu thị, đại lý, chợ lớn nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa kém chất lượng, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tiêu thụ. Chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc.
Câu 4: Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, theo ông người dân cần thực hiện các biện pháp gì để trở thành “người tiêu dùng thông thái”
Trước hết, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật, cũng như kiến thức về tiêu dùng, đặc biệt khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn hàng hóa phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có khả năng kiểm soát đối với những chiêu thức kinh doanh khác biệt mới xuất hiện, đặc biệt là hình thức kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội… đang nở rộ hiện nay. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua hàng nên chọn mua sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín, không nên mua hàng hóa trôi nổi, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nhất là những mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.
Vâng! Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạ-Trung tâm VH-TT&TT huyện