Cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, các Nghị quyết của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã đăng ký thực hiện mô hình điểm “Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó”. Triển khai trong 2 năm (2022, 2023), mô hình đã tác động sâu rộng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong việc hỗ trợ người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người nghèo, người yếu thế được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước. Qua đó giúp người dân vượt qua khó khăn sau dịch bệnh COVID-19, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Đinh Văn Bộ, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo
Với anh Đinh Văn Bộ, ở phố Nam Giang, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, để có được cuộc sống ổn định như hôm nay, anh không bao giờ quên được sự giúp đỡ của cán bộ NHCSXH cùng thành viên tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) địa phương. Anh Bộ chia sẻ: 7 năm trước tôi bị ốm nặng, không đi lại được, tiền thuốc thang, chạy chữa rồi lo cho 3 đứa con ăn học khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. May mắn, năm 2018, được các cấp hội đoàn thể địa phương, NHCSXH quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh, giúp đỡ cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, gia đình tôi mua một cặp bò, từ đó phát triển kinh tế dần lên. Thoát nghèo, mới đây tôi lại được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện giờ, trong tay tôi đã có 8 con bò, 2 ao cá với sản lượng mỗi năm hơn 12 tấn cá, kinh tế vững vàng hơn rất nhiều.
Hợp tác xã dược liệu Đông Sơn, thành phố Tam Điệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục hồi sản xuất
Tương tự là câu chuyện tại HTX dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp). Được thành lập năm 2019, chưa kịp ổn định sản xuất, kinh doanh thì dịch COVID-19 xảy ra khiến mọi hoạt động của HTX bị đảo lộn. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là lúc nhu cầu về các loại dược liệu, đặc biệt là tinh dầu tăng cao. Anh Nguyễn Văn Dư, Giám đốc HTX nhớ lại: Đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá mở rộng sản xuất nhưng thời điểm đó chúng tôi mới bắt tay vào làm nên thiếu đủ thứ, nhất là nguồn vốn. Do vậy, số tiền 800 triệu đồng từ ngồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH là một cứu cánh. Lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay dài đã giúp tôi và các thành viên HTX tự tin đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng công suất chế biến lên gấp 3 lần ban đầu. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, liên kết sản xuất nguyên liệu dược liệu đầu vào với hơn 40 nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh. Sản phẩm tinh dầu tràm của HTX cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ rộng mở.
Trường hợp của anh Bộ, hay HTX dược liệu Đông Sơn là những minh chứng sống động cho hiệu quả của chương trình “Tín dụng chính sách đồng hành cùng nhân dân vượt khó” mà Đảng ủy NHCSXH tỉnh triển khai trong 2 năm qua. Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để đảm bảo mô hình được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho đảng ủy viên phụ trách các chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình. Duy trì mối quan hệ giữa Đảng ủy với tập thể lãnh đạo chi nhánh đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ bàn bạc kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình chỉ đạo điều hành triển khai các giải pháp thực hiện. Quán triệt, động viên toàn thể cán bộ, người lao động phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị hàng năm; sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, từ đó hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn và đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó.
Qua khảo sát, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho lao động mất việc là rất lớn. Để tạo lập nguồn, Ngân hàng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trọng tâm là tham mưu cho UBND các cấp chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Kết quả, từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024, UBND các cấp đã chuyển hơn 236 tỷ đồng và đã có hơn 2.947 tập thể, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, với tổng số tiền gần 275 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác vận động, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tạo lập thói quen tiết kiệm gửi tiền hàng tháng thông qua tổ TK&VV để có nguồn trả nợ và tạo nguồn cho vay cho các thành viên. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng tăng trưởng mạnh và đạt cao nhất từ khi thành lập chi nhánh đến nay. Tính đến ngày 22/3/2024, đạt gần 3.955 tỷ đồng, tăng hơn 1.075 tỷ đồng so với thời điểm ngày 22/3/2022.
Nguồn vốn dồi dào là một thuận lợi nhưng đi kèm với đó là áp lực giải ngân rất lớn, bởi với đặc thù đối tượng phục vụ của tín dụng chính sách là những người khó khăn, yếu thế, không ít trong số đó tự ti, không dám mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Khắc phục điều này, mỗi cán bộ NHCSXH luôn gần dân, sát dân, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ họ trong quá trình tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Bà Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Khánh chia sẻ: Để tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn, thời gian qua, Phòng Giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư cho người dân. Rà soát, lựa chọn đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính duy trì chất lượng, hiệu quả tại các Điểm giao dịch xã theo tiêu chí Điểm giao dịch xã tiêu biểu. Triển khai kịp thời, hiệu quả các sản phẩm, chức năng mới như: Mobile banking, ứng dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách, quản trị ngân hàng tiên tiến thông qua điện thoại thông minh, giúp người dân từng bước làm quen với công nghệ số.
Nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động NHCSXH, với những cách làm hay, sáng tạo, đi vào thực chất mà mô hình “Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó” đã đạt được những kết quả đáng mừng. Chỉ trong 2 năm đã có trên 54 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,07% cuối năm 2021 xuống còn 2,36% cuối năm 2022 và 1,86% vào cuối năm 2023; thu hút và tạo việc làm cho 20.019 lao động; giúp cho 2.765 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo 50.322 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 381 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: “Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó” là mô hình tiêu biểu trong 15 mô hình điểm được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh lựa chọn chỉ đạo triển khai thực hiện chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy. Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy Đảng bộ NHCSXH tỉnh, phát huy tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác dân vận, bám sát địa bàn, tuyên truyền và đồng hành với Nhân dân vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19, đẩy lùi tín dụng đen. Tín dụng chính sách đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu