Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Gia Viễn quan tâm phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Thứ hai, 10/04/2023

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cũng là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Gia Phú tư vấn hướng nghiệp theo nhóm cho học sinh lớp 9.

Tại huyện Gia Viễn, theo số liệu thống kê, năm học 2022- 2023, toàn huyện có trên 1.700 học sinh lớp 9 của 21 trường THCS xã, thị trấn. Tỷ lệ tuyển sinh theo kế hoạch vào 3 trường THPT công lập trên địa bàn gồm Gia Viễn A, B, C là 1.200 học sinh. Như vậy còn lại trên 500 học sinh phải chọn con đường đi học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) hoặc các trường nghề vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề... 

Điều đáng nói là, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn huyện Gia Viễn cũng được giao chỉ tiêu tuyển dụng với khoảng 250- 260 học sinh, có nghĩa là còn khoảng 250 học sinh phải đi học ở các Trung tâm GDNN-GDTX bên ngoài huyện hoặc các trường tư thục, trường nghề khác trong tỉnh.

Trước thực tế tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT công lập năm học 2023- 2024 vẫn giữ như những năm học trước, tỷ lệ tuyển sinh chỉ chiếm khoảng gần 70% vào các trường THPT công lập, còn lại Trung tâm GDNN-GDTX có chỉ tiêu tối đa là 270 học viên. Đòi hỏi công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh lớp 9 trong các trường THCS cần được quan tâm, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả. Qua đó giúp cho học sinh chọn đúng hướng con đường tiếp tục học tập hoặc hoặc nghề phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và sở thích bản thân.

Khảo sát tại một số trường THCS trên địa bàn huyện Gia Viễn, được biết, thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường THCS đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9. 100% các trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm GDNN-GDTX, các trường nghề trong tỉnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh...

Tại Trường THCS Gia Phú, với trách nhiệm của mình, Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo đã quan tâm đến việc tìm hiểu, tư vấn, hướng dẫn cho nhiều học sinh lớp 9 về việc chọn trường tiếp theo để học tập sau khi tốt nghiệp lớp THCS. Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THCS Gia Phú cho biết: Trường hiện có 94 học sinh lớp 9, với 3 lớp học. Theo quy định, nhà trường bố trí đủ các tiết học hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 theo quy định. Đồng thời phân công nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm tư vấn riêng cho các em học sinh có lực học yếu, để các em xác định cho mình con đường tiếp theo trong học tập.          

Kết quả, vài năm học gần đây, mỗi năm có khoảng chục học sinh đăng ký vào học tại Trung tâm GDTX-GDNN huyện Gia Viễn hoặc các trường nghề vừa học vừa làm trên địa bàn tỉnh. Riêng năm học 2022- 2023, hiện đã có 10 học sinh tự nguyện không đăng ký thi vào các trường THPT mà chọn đi học tại các Trung tâm và trường nghề. Thời gian tới, căn cứ vào kết quả thi thử trong các đợt thi, nhà trường tiếp tục tư vấn, định hướng cho các em học sinh có lực học yếu, kém, như tổng số điểm 3 môn chính là Văn, Toán, Ngoại ngữ dưới 10 điểm, không có khả năng thi đỗ vào các trường công lập, thì nên đăng ký đi học tại các trường nghề, để không mất nhiều thời gian, áp lực ôn tập, thi cử và được giảm chi phí trong quá trình học tập...

Em Nguyễn Anh Đức, học sinh lớp 9A, Trường THCS Gia Phú cho biết: Em có lực học không được tốt, em đã quan tâm tìm hiểu và qua nghe các thầy cô giáo tư vấn, phân tích về chương trình học tập ở bậc THPT và học chương trình GDTX cũng như học nghề. Em cũng tham khảo ý kiến của cha mẹ và quyết định chọn học trường nghề tại tỉnh. Em có dự định đăng ký để vừa học văn hóa vừa học nghề cơ khí tại trường Cao đằng nghề Việt Xô, với hy vọng học xong vừa có bằng văn hóa tốt nghiệp THPT vừa có bằng nghề để có thể đi làm, chủ động lo cho cuộc sống của mình...

Giờ học của học sinh lớp 9,  Trường THCS Gia Lập.

Tại Trường THCS Gia Lập, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2022- 2023, nhà trường có 108 học sinh lớp 9. Để làm tốt công tác phân luồng cho học sinh lớp 9, nhà trường thành lập ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh, các phụ huynh để thông tin cụ thể về tình hình học tập của con, có sự tư vấn hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh có nhu cầu. 

Hàng năm, sau khi thi hết học kỳ I, dựa trên kết quả thi, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, lồng ghép nội dung hướng nghiệp cho phụ huynh khối lớp 9 nắm được tình hình học tập của con em mình, thông tin về tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT công lập và Trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn huyện. Qua đó nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh, có sự cân nhắc, tính toán phù hợp với năng lực, trình độ từng em để tiếp tục chọn học sau khi tốt nghiệp lớp 9. Qua khảo sát và đăng ký bước đầu, hiện đã có 11 học sinh có mong muốn đăng ký học tại Trung tâm GDNN- GDTX của huyện hoặc học nghề.

Em Nguyễn Trung Dũng, học sinh lớp 9C, Trường THCS Gia Lập cho biết: Em xác định rõ năng lực học tập của mình không tốt, nếu thi vào lớp 10, trường THPT Gia Viễn B sẽ khó có thể đỗ. Em đã xin ý kiến từ cô giáo chủ nhiệm, với sự định hướng của cha mẹ và em tham khảo thêm một số anh chị, bạn bè đi trước để quyết định chọn trường nghề có thể vừa học nghề vừa học văn hóa. Em yêu thích nghề nấu ăn nên sẽ chọn nghề này để theo học. Quê hương Gia Viễn của em có nhiều điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhiều, em nghĩ sẽ thuận lợi để tìm được việc làm phù hợp, tự lo cho cuộc sống bản thân sau khi tốt nghiệp...

Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục thành lập Ban hoặc Tổ tư vấn hướng nghiệp. Hướng dẫn các trường THCS phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng nghề trên địa bàn huyện, tỉnh tổ chức dạy nghề phổ thông, tuyên truyền đến các nhà trường, phụ huynh, học sinh. Cùng với đó, khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, dạy nghề gắn liền với sản xuất kinh doanh trên địa bàn… 

Việc triển khai thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa "thầy", thiếu "thợ" đã và đang tồn tại nhiều năm nay. 

Nguồn Báo Ninh Bình.

Bài viết khác