Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Gia Viễn thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội

Thứ hai, 04/03/2024

Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được huyện Gia Viễn đặc biệt chú trọng. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quản lý, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên môn đã giúp các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, an toàn, văn minh.

Biểu diễn múa Rồng tại lễ hội động Hoa Lư.

Ngay từ sáng sớm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 19/2/2024), ông Vũ Đình Năng, thôn Hoa Tiên, xã Gia Hưng đã cùng bà con trong thôn chuẩn bị trang phục, hương hoa phẩm vật để tham gia lễ hội truyền thống động Hoa Lư (còn có tên là thung Lau, thung Ông). 

Ông Vũ Đình Năng phấn khởi cho biết: Tôi rất tự hào khi quê hương Gia Hưng đã gìn giữ được lễ hội truyền thống. Lễ hội là sự nối dài, lan tỏa văn hóa của đất và người, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam; hơn thế đây chính là điểm tựa tâm linh của người con Gia Hưng trong hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp, hiện đại, văn minh. Với nhận thức đó, mỗi người con quê hương Gia Hưng luôn giữ gìn nét đẹp văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm bái Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia động Hoa Lư-nơi tổ chức lễ hội hàng năm.

Hoạt động văn nghệ tại Lễ hội động Hoa Lư.

 Hàng năm, xã Gia Hưng tổ chức lễ hội truyền thống tại Đình Trai, động Hoa Lư và đền Thung Lá từ ngày mùng 10-13 tháng Giêng để thể hiện lòng thành kính của Nhân dân địa phương và du khách thập phương đối với vua Đinh và những người có công với đất nước. 

Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lễ hội được địa phương, cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ truyền thống như lễ tế, rước kiệu cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: Cờ lau tập trận, múa lân, hát chèo, thi đấu cờ tướng và chương trình giao lưu văn nghệ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo người dân và du khách dự hội.

Xưa kia, Đinh Tiên Hoàng lấy chốn sơn động Hoa Lư làm nơi luyện tập binh mã, chiêu hồi quân sĩ. Sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng tự xưng là Vạn Thắng Vương, lập lên nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. 

Động Hoa Lư được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Nằm giữa động Hoa Lư là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh, phía sau đền vua Đinh là đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không-người có công không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Đồng chí Đinh Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Lễ hội truyền thống động Hoa Lư là dịp để người dân và du khách thập phương thành kính dâng hương, nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước, tạo lập làng, xã; là dịp tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. 

Việc tổ chức lễ hội truyền thống động Hoa Lư nhằm phát huy và gìn giữ văn hóa truyền thống quý báu đã có từ lâu đời; tạo điều kiện cho nhân dân hiến kế, hiến công, huy động tài lực, vật lực để lễ hội truyền thống ngày càng phong phú và có điều kiện để tu sửa, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Lễ hội truyền thống trở thành ngày hội văn hóa tiêu biểu, ngày càng được tổ chức trang trọng, là điểm đến ấn tượng của khách du lịch. 

Du khách thập phương trẩy hội động Hoa Lư.

 Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng, trùng tu Khu di tích lịch sử, văn hóa động Hoa Lư với kinh phí trên 60 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Đảng ủy, UBND xã đã có nghị quyết và có kế hoạch cụ thể, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự trong lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm về giữ gìn, bảo vệ những giá trị của di tích và lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường… 

Huyện Gia Viễn có 19 lễ hội trong năm, trong đó có 1 lễ hội cấp huyện và 18 lễ hội cấp làng, xã. Việc tổ chức các lễ hội góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chính đáng về sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng của Nhân dân, góp phần làm cho đời sống tinh thần của Nhân dân thêm đa dạng, vui tươi; tăng cường tình cảm đoàn kết cộng đồng; giáo dục truyền thống văn hóa và lòng yêu nước; tạo môi trường văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Huyện đang tích cực tuyên truyền tới Nhân dân cũng như các Ban quản lý di tích thực hiện nếp sống văn minh, nghiêm túc trong quá trình thực hiện quản lý lễ hội, hướng dẫn du khách tham quan, chiêm bái đúng quy định.

Đồng chí Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Năm 2024 là năm kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh của vua Đinh Tiên Hoàng, huyện Gia Viễn đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm với việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, giải đấu thể thao, tiếp tục tổ chức tuyến-tour tìm về cội nguồn, lấy di tích lịch sử làm nòng cốt để phát triển du lịch tâm linh…

Biểu diễn trống hội tại Lễ hội động Hoa Lư

 Với các lễ hội truyền thống như: Lễ hội động Hoa Lư, lễ hội đền Cát Đùn; lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn đã và đang được chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn; các chương trình tìm hiểu về lịch sử văn hóa, thân thế và sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng, chương trình "Rung chuông vàng" tại Đền Vua Đinh; tổ chức giải chạy marathon từ nơi Vua Đinh Tiên Hoàng sinh ra đến nơi Vua Đinh Tiên Hoàng khởi nghiệp… 

Với định hướng về phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa gắn với các điểm du lịch, trong năm 2024, huyện Gia Viễn tập trung vào 3 tuyến-tour trọng tâm: Tìm về cội nguồn theo dấu chân vua Đinh Tiên Hoàng; tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn với điểm nhấn là vườn thảo dược Nguyễn Minh Không và tổ chức Vân Long xanh thu hút khách vào dịp hè 2024. 

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội tại các điểm di tích lịch sử, khu du lịch sẽ giúp Gia Viễn tạo dấu ấn đẹp với du khách, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững. 

Theo Báo Ninh Bình

Bài viết khác