Động và chùa Địch Lộng là một cụm di tích động và chùa thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Quốc lộ 1A khoảng 1km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 16km.
Động và chùa Địch Lộng được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động" trong chuyến tuần du ra Bắc Hà năm 1821. Tương truyền vào khoảng năm 1739, một tiều phu lên núi đốn củi đã phát hiện hang động này và thấy có nhũ đá giống tượng Phật nên lập ban thờ Phật ở đó, đến năm 1740 thì hình thành chùa.
Toàn bộ quần thể của chùa Địch Lộng trải dài trên mảnh đất rộng chừng 1ha, phần lớn dựa lung vào núi. Quần thể chùa Địch Lộng gồm có đỉnh đá với 16 cột đá nguyên khối, đền thờ Lý Quốc Sư, hồ bán nguyệt, năm tháp cao 3 tầng, 3 gian chùa hạ, khu vườn Phật và khu vườn tháp ở hai bên. Dạo quanh một vòng kiến trúc và cảnh quan quần thể chùa Địch Lộng, chúng ta sẽ lạc vào chốn Thiền Định an lành, niệm phật. Đầu tiên, là khu vườn tháp cổ ngập tràn sắc xanh của cây cối, thoang thoảng mùi hương của hoa. Dãy nhà Tiền Đường uy nghi, tựa sát vào lưng núi như con rồng canh giữ toàn bộ di tích. Ngay đầu cổng chính của chùa là tháp chuông lớn, với những cột đá sừng sững. Điêu khắc đá là nét đặc trưng, mang bản sắc của vùng đất Ninh Bình. Chúng ta dễ dàng nhận thấy nét đặc trưng đó được thể hiện ở bất cứ nơi nào trong quần thể chùa Địch Lộng.
(Tháp chuông)
Đặc biệt là ngôi đình đá ở phía sau Tháp chuông. Ngôi đình thờ thánh Nguyễn Minh Không có 5 gian được gọi là Đình Đá vì tất cả các cột, tảng, xà đùi, cái bẩy đều bằng đá. Đây là một công trình điêu khắc đá vô cùng đặc sắc. Tám cột đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối, tròn, to, cao hơn 4m, đều được trạm nổi những con rồng lớn đang uốn lượn trong mây để hút nước, cá chép theo nước vượt lên. Những nét khắc rồng khiến chúng ta cảm giác như được xem một đàn rồng lớn đang bay. Mỗi con rồng cuốn quanh cột đều có một dáng vẻ khác nhau, rất sống động. Tám cột quân to, tròn như cột cái, khoảng 3m, hai hàng trước - sau mặt tiền đều được trạm khắc nổi những câu chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp nơi đây với những ý tưởng sâu sắc. Rất hiếm có ngôi đình nào có toàn bộ phần chính của nhà được làm bằng đá xanh nguyên khối, trạm khắc công phu và tỉ mỉ như vậy.
Ở đây đã thể hiện tài năng trạm khắc đá của các nghệ nhân vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử. Phía bên trái của ngôi đình đá cổ là khu vườn Phật. Toàn bộ tượng Phật trong khu vườn này cũng được tạc bằng đá, với những đường nét tinh xảo của những nghệ nhân thời nay.
Khu vườn Phật tuy không phải là điểm nhấn của ngôi chùa. Nhưng cũng góp phần tạo nên vẻ uy nghiêm của nơi cõi Phật. Phía sau ngôi Đình Đá là ngôi Chùa Hạ 3 gian. Đây là ngôi chùa mới được dựng lên để giúp những người già cả được lễ phật khi không đủ sức leo lên ngôi chùa chính nằm ở lưng chừng núi. Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, du khách leo lên 105 bậc đá sẽ đến cửa động. Trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự”. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn.
Bước sang bên tay phải là đến động thờ Phật, đây chính là chùa Địch Lộng, quay về hướng Nam. Chùa nằm trong vòm hang cao khoảng 20m, sâu khoảng 30-40m và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Các pho tượng Phật uy nghiêm, nhân từ do con người tạo dựng, hòa nhập với các nhũ đá của thiên nhiên, tất cả hiện lên uy nghiêm trong ánh đuốc bập bùng và những lóe đỏ của hương trầm phảng phất mùi thơm cõi thiền. Điều độc đáo là động gồm ba hang thông nhau nên khi có gió thổi âm thanh phát ra nghe như tiếng sáo. Cây sáo gió khổng lồ bằng đá của tạo hoá, ngàn năm vi vu giữa trời đất bao la. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng (''Địch'' nghĩa là sáo, ''Lộng'' nghĩa là gió). Sự kỳ diệu của chùa Địch Lộng chính là vẻ đẹp của các nhũ đá và những giọt nước tí tách chảy quanh năm. Chính những giọt nước này đã tạo nên hình dáng và mầu sắc lấp lánh của các nhũ đá. Những nhũ đá với trăm vạn hình thù mà đến đây, trí tưởng tượng của chúng ta sẽ có cơ hội phát huy tối đa. Trong ánh đuốc bập bùng, vẻ đẹp của tạo hóa càng huyền ảo và lung linh hơn. Không chỉ đẹp về mầu sắc, hình dáng mà các nhũ đá này còn có thể tạo ra âm nhạc. Dùng một hòn đá đập nhẹ vào các nhũ đá, âm thanh phát ra sẽ như tiếng trống chầm bổng và ngân vang. Đi dọc hết hang tối và hang sáng là đến cổng trời. Từ cổng trời có thể phóng tầm mắt nhìn ra khắp vùng non nước Gia Viễn. Đây đúng là nơi con người và tạo hóa đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảnh quan thiền tụng. Động và chùa Địch Lộng được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 1990. Hàng năm cứ đến ngày 6,7 tháng 3 âm lịch, nhân dân xã Gia Thanh lại tổ chức lễ hội chùa Địch Lộng.
Nguồn: Trung tâm TTXTDL