Quần thể Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Bặc
Quần thể Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Bặc Nằm trên địa bàn xã Gia Phương và xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thị trấn Me khoảng 5km, cách thành phố Ninh Bình 18km. Nhà thờ Nguyễn Bặc thuộc thôn Vĩnh Ninh 1, xã Gia Phương; Lăng mộ nằm trên xứ đồng gò Con Cá thuộc địa bàn thôn Lãng Ngoại, xã Gia Lập giáp danh với xứ đồng thôn Văn Bòng, xã Gia Phương. Quần thể Nhà thờ - Lăng mộ Nguyễn Bặc là nơi thờ cúng và tưởng niệm Nguyễn Bặc, một công thần khai quốc nhà Đinh, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.
Nguyễn Bặc sinh vào năm 924, quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, cùng quê, cùng tuổi với Đinh Bộ Lĩnh, nay là thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lúc thiếu thời Nguyễn Bặc cùng với Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, rồi cùng tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lư (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) làm căn cứ ban đầu.
Năm 944, sau khi Ngô Vương Quyền mất, triều Ngô lục đục, bất lực. Một số quan, tướng nổi dậy cát cứ xưng hùng xưng bá, đất nước loạn lạc. Sử cũ gọi loạn 12 sứ quân. Đến năm 951 lực lượng của các anh hùng Hoa Lư đã rất mạnh, đến nỗi Xương Văn, Xương Ngập ở triều đình Cổ Loa, đem quân đánh hàng tháng trời vẫn không thắng, đành kéo quân về.
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh cử Nguyễn Bồ (em trai Nguyễn Bặc), chỉ huy một đạo quân tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu - một sứ quân mạnh lúc bấy giờ ở Tây Phù Liệt. Đánh mãi không thắng, Nguyễn Bồ cùng nhiều tướng sỹ tử trận. Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng tiên phong đánh một trận (ngày 15/7/967) phá tan sứ quân Nguyễn Siêu.
Chiến thắng Tây Phù Liệt, tiêu diệt sứ quân Nguyễn Siêu có ý nghĩa quyết định trong việc kết thúc thắng lợi công cuộc thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh. Trong chiến thắng đó, Nguyễn Bặc góp phần quan trọng. Sau các làng ở Tây Phù Liệt đều thờ Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ làm Thành Hoàng.
Năm 968, Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Bặc được xếp là Đệ nhất công thần, đứng đầu các quan văn võ. Tuy là người đứng đầu các quan văn võ, vốn tính cẩn thận, khiêm nhường, khi thiết triều ông ý tứ ngồi sau Đinh Điền, vì ông cho rằng Đinh Điền là bạn, là Đại thần lại cùng họ với vua Đinh. Nguyễn Bặc góp công rất lớn cùng Đinh Tiên Hoàng trong việc định đô, xây dựng triều chính.
Năm 971, khi vua Đinh định thứ bậc, phẩm trật cho các quan, Nguyễn Bặc được phong là Khai quốc công thần, Phụ quốc, Thừa tướng, Thái Tể Định Quốc công - (tức là vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta), lúc đó ông 47 tuổi. Là người đứng đầu bộ máy hành chính của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, Nguyễn Bặc tỏ rõ là người tài giỏi có nhiều kế sách trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế v.v...
Nguyễn Bặc giúp vua Đinh xây dựng bộ máy trung ương tập quyền, thống nhất, xoá bỏ cát cứ, tích cực xây dựng cung điện, thành luỹ, tích trữ lương thực, xây dựng lực lượng quân sự, phát triển nông nghiệp, mở mang các ngành nghề. Đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao...
Khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên làm vua, Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn xưng “Phó vương”, nghi có tình riêng với Dương Thái hậu, Nguyễn Bặc không thể chịu nổi việc mất ngôi báu nhà Đinh bèn hội quân với Đinh Điền từ Châu Ái kéo về Hoa Lư đánh Lê Hoàn. Nhưng bị thua trận, Đinh Điền bị Lê Hoàn giết tại trận. Nguyễn Bặc bị bắt, đem về kinh đô Hoa Lư xử tội.
Theo Gia Phả, Nguyễn Bặc bị hành quyết ngày 15/10 năm Kỷ Mão (tức ngày 7/11/979) ở Ngô Khê Thượng, ngoại thành Hoa Lư (nay thuộc xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư). Sau dân ở đây tạc tượng, lập đền thờ ông. Sau khi Nguyễn Bặc bị chém, gia thần lượm thi thể ông về táng tại Đại Hoàng quê nhà. Đến thời Lý, ông được truy phong là Phúc Thần.
Theo thượng lương của nhà thờ thì vào năm Khải Định thứ 7 (1927), dòng họ Nguyễn xây dựng lại nhà thờ khá bề thế, kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Tiền đường 5 gian, bằng gỗ xoan và mít, vì kèo kiểu chồng rường hạ kẻ, nhưng đã bị thực dân Pháp đốt năm 1948.
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, với tất cả tấm lòng thành kính tri ân của con cháu hậu duệ, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến tháng 11/1997, nhân hội nghị nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Bặc, dòng họ mới xây lát rộng ra 7,3m x 7,8m và làm bia mộ Nguyễn Bặc với dòng chữ tiếng Hán và tiếng Việt "Thái Tế Định Quốc Công triều Đinh 924 – 979". Năm 2022, khu lăng mộ được xây dựng mới, khang trang với khuôn viên rộng khoảng 1000m2, bao quanh là hệ thống tường cao khoảng 2m, phía trước là Cổng Tam quan với 4 trụ được đắp nổi hình rồng phượng, lợp bằng ngói vẩy, 2 bên là nhà Giải vũ 5 gian, giữa là sân rộng lát bằng đá để mỗi khi giỗ ông con cháu, nhân dân về dâng hương, tế lễ.
Nhà thờ Nguyễn Bặc được xây dựng trên mảnh đất của tổ tiên để lại, rộng khoảng 360m2, quay hướng Nam, nhìn ra sông Hoàng Long, uốn khúc như một con rồng khổng lồ. Bước vào cửa nhà thờ là 4 cột với hai hàng câu đối:
"Đại hữu địa linh Nguyễn tộc khởi nguyên, dương tổ đức.
Hoa Lư nhân kiệt, Triều Đinh dựng nước, mãi nhớ ơn vua",
"Công huân trung liệt, minh Quốc sử
Ân nghĩa cao thâm, ký dân tâm"
Có nghĩa là:
"Đại Hữu đất thiêng, họ Nguyễn mở đầu, nêu cao Tổ đức
Hoa Lư nhân kiệt, Triều Đinh dựng nước, mãi nhớ ơn Vua",
"Công huân vĩ đại ghi quốc sử
Tình nghĩa cao sâu, khắc lòng dân"."
Vào trong sân nhà thờ có bức bình phong bằng đá được chạm khắc chữ Hán "Trung" ở giữa nghĩa là Trung quân ái quốc và hai câu đối hai bên. "Vĩnh Ninh phúc địa sinh quốc tướng, Đại Hữu phương danh, phức nam thiên". Có nghĩa là Vĩnh Ninh đất quý sinh tướng quốc, Đại hữu tiếng thơm, rực trời Nam".
Ngay ngoài cửa nhà thờ có hương án bằng đá được chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt và có bức hoàng phi khắc 4 chữ Hán lớn "Thường trần trở đậu" có nghĩa là Cúng giỗ thành tâm.
Vào bên trong nhà thờ gồm 3 gian, hai vì kèo giữa theo kiểu kẻ truyền, hai vì kèo bên làm theo kiểu “thượng rường, hạ kẻ”. Hai bên thờ ông Nguyễn Tài Nông và các ông tổ tiếp theo. Ở giữa có bức hoành phi khắc ba chữ lớn “Khởi nguyên đường” có nghĩa là khởi đầu dòng họ Nguyễn. Tại gian bên phải có khắc ba chữ lớn "Tiên Tích Quang" có nghĩa là Đời trước để lại vinh quang cho hậu thế. Phía bên trái là 3 chữ "Hậu dụ cổn" có nghĩa là Con cháu đời sau đông đúc. Đây là một trong số những hiện vật quý còn lưu giữ lại được. Phía bên trong ban thờ là tượng thái thủy tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc được làm bằng gỗ mít dát vàng, ngồi trên tay ngai, đầu đội mũ quan.
Trong nhà thờ Nguyễn Bặc còn lưu giữ một số hiện vật quý như: Ngai, bài vị thờ Nguyễn Bặc; 6 sắc phong thời Nguyễn; 3 hoành phi, 2 câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy và một số câu đối được ghi chép lại; 2 thanh kiếm gỗ…
Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 10 âm lịch, các chi họ Nguyễn ở các nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Nam Định… đều về đây giỗ tổ Nguyễn Bặc để ghi nhớ công lao to lớn của Ông. Chi họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Ninh còn giố cụ Nguyễn Tài Nông vào ngày 6/3 âm lịch. Ngoài ra, vào dịp thanh minh 6/3 âm lịch hàng năm các chi họ cũng về thắp hương bái tổ và thắp hương mộ Nguyễn Bặc.
Với những giá trị lịch sử còn lưu lại, Nhà thờ Nguyễn Bặc đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998. Quần thể Lăng mộ và Nhà thờ Nguyễn Bặc đã trở thành điểm sinh hoạt mỗi khi có công việc của con cháu trong dòng họ. Đồng thời cũng là di tích lịch sử để thăm quan, nghiên cứu, học tập của cán bộ và nhân dân, góp phần gìn giữ và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.