Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG, THÔN VĂN BÒNG XÃ GIA PHƯƠNG

Thứ sáu, 13/01/2023

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương

 

     Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thường gọi là đền Đinh (đền Văn Bòng) là nơi thờ duy nhất gọi tên húy của Vua, toạ lạc ở thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình – quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng.

     Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương gắn liền với nhiều sự tích, dấu ấn của Đinh Bộ Lĩnh từ thuở thiếu thời, đây chính là quê quán của Đinh Bộ Lĩnh. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương (Giang) sinh Thánh”, có nghĩa là “Làng Đại Hữu xã Gia Phương sinh ra vua Đinh, làng Điềm Dương (Giang- xã Gia Thắng sinh ra Thánh (Nguyễn Minh Không- Quốc sư triều Lý)”

     Đinh Bộ Lĩnh sinh 15 tháng 2 năm Giáp Thân (924), tại làng Đại Hoàng. Nay còn dấu tích nền nhà cũ nơi sinh ra ông là Gò Bồ Đề (khu vực trạm y tế xã Gia Phương hiện nay). Phụ thân là Đinh Công Trứ, thân mẫu là Đàm Thị.

     Lúc còn nhỏ Đinh Bộ Lĩnh, chăn trâu cho chú là Đinh Thúc Dự, được bọn trẻ chăn trâu cùng lứa tôn làm đầu mục (trẻ đứng đầu). Bộ Lĩnh thường bầy cho bọn trẻ bẻ hoa lau làm cờ, chia quân đánh trận giả. Trận giả nhưng diễn ra như thật (nhờ lão bộc trước đây dạy cho), thể hiện chí khí, sự tài giỏi của Đinh Bộ Lĩnh.

     Cuối thế kỷ X, trong nước các sứ quân cát cứ, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng hùng mạnh mạnh đã dẹp yên 12 sứ quân thống nhất đất nước được xưng tụng là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn) đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, đặt triều nghi.

     Tương truyền, trong thời gian 12 năm làm vua (968-979) và thọ 56 tuổi Đinh Tiên Hoàng đã cho lập sinh từ ở quê hương Đại Hoàng, bài vị của Ngài thờ tại đình làng cùng bà ngoại là Phạm Thị Tuyên và thân mẫu Đàm Thị. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng, nhiều nơi đã lập đền thờ ngài. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo thống kê bước đầu có 12 di tích thờ vua Đinh, trong đó có Đền vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương.

     Đền quay hướng Tây, tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng gần 3.000m2, xây tường thấp bao quanh. Từ ngoài cổng lớn đền đi vào qua hồ bán nguyệt (là nơi tụ thuỷ), sau hồ Bán Nguyệt là bức bình phong được chạm khắc nổi hình con hổ đang xuống núi, bức bình phong ở đây giống với bức bình phong được đặt tại động Hoa Lư thuộc xã Gia Hưng. Tiếp đến là Tắc môn, trên đỉnh 4 cột trụ của Tắc môn được đắp nổi hình rồng phượng rất uy nghi. Bước vào sân đền vài mét, bên tay phải có một miếu thờ quay hướng Bắc thờ nhị vị công chúa. Lùi vào vài mét là nhà Giải vũ 5 gian, quay hướng Bắc. Bên tay trái gần sát hồi đền vua Đinh Tiên Hoàng còn có một miếu thờ nữa quay hướng Tây, thờ Tam Quận Công. Giữa sân đền có Sập Long sàng bằng đá, tượng trưng cho uy quyền Nhà Vua ngự triều.

     Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng kiến trúc theo kiểu "Tiền nhất hậu đinh". Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương có một số nét kiến trúc giống đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư như các chi tiết hồ bán nguyệt, bình phong, nghi môn và hình rồng trên mái. Tuy nhiên ở đây có nhiều điểm khác: các chi tiết kiến trúc đơn giản hơn. Đền gồm 3 tòa: Tiền bái, Trung đường tạo thành chữ "Nhị" Hán tự, phía sau là Hậu cung.

     Tòa Tiền bái 5 gian như một ngôi đình có kiến trúc theo lối “Chồng rường, kẻ bẩy” , lòng nhà dài 13m, rộng 6 m, có 6 vì kèo, mỗi vì kèo 2 cột quân, hai đầu xây đốc, phía trước về hai gian ngoài, đầu hồi có thông phong hình chữ "Thọ", phía sau Tiền đường để trống. Toàn bộ gác đầu bảy chạm khắc hoa văn lá lật, riêng gian giữa, mặt bảy chạm khắc rồng, bờ nóc Tiền bái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Nguyên vật liệu xây dựng đều bằng gỗ lim gạch thất, ngói Nam, vôi vữa. Căn cứ theo lạc khản đề trên Thượng lương, tòa Tiền bái được làm năm Tự Đức thứ 33(1880).

     Tòa Trung đường tiếp giáp tòa Tiền bái gồm 3 gian kiến trúc theo kiểu "Mè toàn" (toàn bộ hệ thống ngoài nằm trên các mè kèo), quy mô lòng nhà nhỏ hơn tòa Tiền bái, chiều dài 8,7m, chiều rộng 3,5m. Hệ thống mè kèo có 4 vì, mỗi vì một cột hiên, 02 cột quân và 01 cột cái với đường kính trung bình là 22cm. Nổi bật trong kiến trúc ở tòa trung đường là mè kèo phía đốc hai cử hiên được trang trí bảng mảng chạm bong ( hay còn gọi là chạm lật) với đề tài tứ linh ( long, ly, quy, phượng) khá sinh động và đẹp mắt. Gian giữa Trung đường có nhang án và bát hương thờ công đồng và Hội đồng các quan. Tòa trung đường được trùng tu vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936), muộn hơn tòa Tiền bái đến 56 năm.

     Tòa Hậu cung được xây dựng gần như hình vuông, chiều dài 6,5m, chiều rộng 5,6m;  gồm 2 gian chính và 1 gian phụ, kiến trúc theo lối "Chồng rường hạ mê". Chính giữa có long cung và tượng vua Đinh, hai bên có nhang án, long ngai chầu vào, phía trái thờ Nguyễn Bặc, phía phải thờ Đinh Điền. Đinh Điền và Nguyễn Bặc là hai người bạn thủa thiếu thời cùng đi chăn trâu, kết nghĩa đào viên với Đinh Bộ Lĩnh và là hai công thần phò tá quan trọng trong việc kiến lập triều Đinh, là hai trong "Tứ trụ của triều Đinh".

Pho tượng vua Đinh Tiên Hoàng là một pho tượng có kích thước khá lớn cao 2m và được tạc bằng lõi thân gỗ mít lưu niên, màu sắc vàng ươm, trong tư thế ngồi trên ngai theo kiểu thiết triều, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào, hai tay để lên hai đùi, dưới chân để một thanh kiếm. Long ngai rộng 1,40; cao 1,60m. Bên ngoài của Long cung được chạm khắc hình chim phượng, hoa văn lá lật và gia văn hình chữ triện. Tượng và long cung mang đậm dấu ấn của phòn cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Toàn bộ đều được sơn son thiếp vàng rất lộng lẫy (theo địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình). Trên các trụ cột và trong đền có treo nhiều câu đối chữ Hán, có đôi câu đối phán ánh rõ nét lịch sử làng Đại Hữu và Kinh Đô Tràng An được phiên âm như sau:

                                                                                              Tứ hải thành gia, Đại Hữu chí kim lưu thắng tích,

                                                                                              Cửu châu vị thổ, Tràng An tự cổ diện danh đô

Dịch nghĩa:

                                                                                              Bốn biển là nhà, làng Đại Hữu đến nay còn lưu lại di tích đẹp

                                                                                              Chín châu làm đất, vùng Tràng An từ xưa đã dựng Kinh Đô nổi tiếng

     Ngày 08 tháng 9 năm 1993, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương đã được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến thăm đền vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương là về thăm quê hương của người anh hùng dân tộc thế kỷ thứ X với nhiều huyền thoại về một thời thơ ấu – gắn liền xứ hoa lau nơi mà xưa kia Đinh Bộ Lĩnh và các bạn cùng làng đã từng chăn trâu cắt cỏ như Đinh Điền, Nguyễn Bặc,Trịnh Tú, Lưu Cơ tập trận đã nuôi chí lớn dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất đất nước.

     Hàng năm, cứ vào dịp lễ hội Vua Đinh Tiên hoàng ở cố đô Hoa Lư (ngày mùng 9, 10 tháng ba âm lịch hàng năm), tất cả các di tích lịch sử thờ Vua quan, tướng lĩnh thời Đinh cùng tham gia lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân lịch sử về cố đô Hoa Lư. Người dân thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cũng mở lễ hội đền để tưởng nhớ và lưu truyền về công lao to lớn của vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc, người đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam./.