Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Đền thờ quan Thái Bảo

Thứ ba, 19/03/2024

Đền thờ Quan Thái Bảo

 

     Đền Quan Thái Bảo nằm trên địa bàn xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đền còn có tên gọi khác là đền thờ Trịnh Tú, nhân vật làm quan triều Đinh thế kỷ X, được sử sách nhắc đến ông là một trong “Tứ trụ triều Đinh”. 

     Xã Liên Sơn nằm ở phía Bắc huyện Gia Viễn, phía Đông giáp xã Gia Hòa, phía Tây giáp xã Gia Thủy, phía Nam giáp xã Gia Phú và thị trấn Me, phía Bắc giáp xã Gia Hưng.

     Trong phong trào cách mạng và kháng chiến của dân tộc, Đền Quan Thái Bảo là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

     Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng như trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, đền Quan Thái Bảo luôn là địa điểm bí mật cho các cuộc gặp gỡ của các đồng chí hoạt động Cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là địa điểm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của xã, địa điểm dân quân du kích tập trung đi đánh Pháp chống càn và bảo vệ an toàn đường hành quân của bộ đội, dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đầu năm 1954.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, di tích là nơi đóng quân của bộ đội và mở lớp học sơ tán cho trẻ em địa phương. 

     Theo Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Trịnh Tú người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn. Từ thủa nhỏ, ông đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, cùng nhau chơi trò đánh trận cờ lau. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, lên ngôi hoàng đế (tức Đinh Tiên Hoàng), thành lập nhà nước Đại Cồ Việt (968). Chính sử cũng như thơ ca dân gian thường ca ngợi bốn vị trụ cột của nhà Đinh là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Đinh Điền được vua Đinh phong làm Ngoại Giáp, Nguyễn Bặc là Tể tướng, Lưu Cơ là Thái Sư, Trịnh Tú là Thượng Thư.

     Theo Đại Việt Sử ký toàn thư: năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú sang giao hảo với nhà Tống, Đinh Tiên Hoàng lại sai ông đem vàng lụa, sừng tê giác, ngà voi sang cống nhà Tống, ngay sau đó, nhà Tống sai người mang chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn, mở đầu giai đoạn mới của nền ngoại giao Việt Nam với nước lớn phía Bắc. Trong 5 lần sứ giả Đại Cồ Việt được Vua Đinh Tiên Hoàng cử sang giao bang với nhà Tống thì Trịnh Tú sang 2 lần, Đinh Liễn sang năm 972, Phò mã Trần Nguyên Thái sang năm 976 và năm 977 (tên sứ giả sử không chép rõ). Từ đây, các sứ giả các triều đại phong kiến ở Việt Nam mà Trịnh Tú được coi là vị sứ giả đầu tiên bước vào ngoại giao với một tư cách lớn, chấm dứt thời xưng Tiết độ sứ, nhận tiết việt của phương Bắc.

     Sau này, Trịnh Tú ra sao, chính sử và truyền thuyết không thấy nói đến. Trịnh Tú được lập đền thờ tại quê nhà ở xã Liên Sơn, Gia Viễn, nhân dân trong vùng gọi là Đền Quan Thái Bảo đây là nơi thờ riêng Trịnh Tú duy nhất ở Việt Nam. Nhiều nơi khác phối thờ ông cùng các vị tứ trụ triều Đinh là Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lưu Cơ.

     Ngày nay, khi đời sống kinh tế của nhân dân phát triển, di tích ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, con cháu họ Trịnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đền được xây dựng rất lâu lại trải qua nhiều triều đại phong kiến và chiến tranh cùng với sự tác động của các yếu tố tự nhiên trong thời gian dài nên đền và các di vật cổ đã bị hư hỏng, xuống cấp. Năm 2019, được sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, bằng nguồn quyên góp, vận động của bà con thân tộc họ Trịnh cả nước và nhân dân địa phương đã tạo dựng ngôi đền trang trọng, uy nghiêm, linh thiêng, đẹp đẽ tương xứng với thần tích của Ngài.

     Đền Quan Thái Bảo toạ lạc trên khu đất cao, bằng phẳng với diện tích 130m2, quay hướng Đông, xung quanh là cánh đồng và nhà dân. Cổng đền quay hướng Nam, bao quanh là hệ thống tường cao khoảng 2m.

     Phía trước đền là hồ bán nguyệt, đến khoảng sân rộng lát gạch đỏ, tạo không gian sạch sẽ thoáng rộng cho di tích. Vào dịp lễ hội của làng, đây là nơi dựng cờ, đặt kiệu, các đồ tế lễ và là nơi hành lễ. 

     Đền được xây dựng kiến trúc kiểu chữ Đinh hán tự, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung.

     Tiền đường có ba gian với ba cửa ra vào. Trên nóc Tiền đường chính giữa trang trí "lưỡng long chầu nguyệt" với đường nét rất công phu, hai bên hồi có hai đấu vuông và hệ thống bờ chẩy được xây giật cấp xuống tới mái hiên.

     Hậu cung được thiết kế 2 gian chạy dọc tiếp giáp với Tiền đường đường tạo thành lối kiến trúc khép kín hình chữ đinh. Hậu cung dài 4,17m, rộng 3,8m, được kiến trúc tương tự Tiền đường. Nơi đây đặt ban thờ Công đồng, Thần bản thổ và Ban thờ tượng Quan Thái Bảo Định Quận công Trịnh Tú.

     Đền thờ hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: Pho tượng Quan Thái Bảo Định Quận Công Trịnh Tú, khảm thờ, long ngai, bài vị, bát hương, chuông đồng và 03 sắc phong của các triều vua Nguyễn: Sắc phong số 1 ngày 08 tháng 6 nhuận niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 (1911), Sắc phong số 2 ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924), Sắc phong số 3 ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924). Với những giá trị về lịch sử, đền Quan Thái Bảo đã được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh năm 2020.

     Hàng năm, tại di tích vào các tuần tiết tư rằm, đầu tháng (tính theo âm lịch) nhân dân có tổ chức lễ bái tại đền. Ngoài ra, trong năm tại di tích nhân dân tổ chức hai dịp lễ lớn vào ngày 15 tháng Giêng và 15 tháng 10 âm lịch với đầy đủ những nghi lễ trong một buổi tế: có tế nam quan, có đầy đủ các vật phẩm cúng tế.

     Đền Quan Thái Bảo là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá thông qua các nghi lễ, các hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng diễn ra hàng năm. Từ đó thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau đối với các bậc tiền nhân, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ duy trì truyền thống văn hoá của quê hương đất nước, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển văn hóa, phát triển các ngành khác như kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.