Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Viết tiếp truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Gia Viễn giàu đẹp

Thứ bảy, 17/08/2024

Huyện Gia Viễn-địa phương được lựa chọn để khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của tỉnh Ninh Bình trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Ngô Hùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện về những đổi thay trên quê hương Gia Viễn.

Diện mạo mới trên quê hương cách mạng Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang

Phóng viên (PV): Trong không khí náo nức cả nước hướng đến Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, đồng chí có thể chia sẻ về lịch sử vẻ vang của huyện Gia Viễn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945? 

Đồng chí (Đ/c) Ngô Hùng Khánh: Gia Viễn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Lật mở từng trang Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Viễn mới thấy hết sự kiên cường, anh dũng của thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước. 

Theo đó, ngày 17/8/1945 lệnh khởi nghĩa đã về đến căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Sau khi phân tích đánh giá tình hình cụ thể phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy quyết định chọn Gia Viễn làm điểm khởi nghĩa mở màn và chỉ đạo quyết tâm giành được thắng lợi ngay trong trận đầu. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Việt Minh huyện Gia Viễn chỉ đạo các chi bộ, tổ Việt Minh các xã tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Khi ấy, các làng xã trong huyện khí thế cách mạng sôi sục chưa từng có; lực lượng tự vệ cứu quốc, quần chúng cứu quốc náo nức chuẩn bị vũ khí, tập kết sẵn sàng đến giờ nhất tề khởi nghĩa. Các thôn, xã Lỗi Sơn, Ngọc Động, Lê Xá, Tri Hối, Bích Sơn, Điềm Giang, Điềm Xá náo nức chờ đón giờ khởi nghĩa.

Trung đội tự vệ xã Bích Sơn nhận được lệnh khởi nghĩa sớm, ngày 18/8/1945 tập hợp lực lượng kéo lên phố Me, kết hợp với tự vệ và Nhân dân phố Me thuyết phục tri huyện giao chính quyền. Đêm 18/8/1945, tri huyện Lã Xuân Mai trốn khỏi huyện lị. Cũng đêm đó tại khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, các xã thuộc tổng Vân Trình, Lê Xá, Tri Hối… lực lượng cách mạng nhộn nhịp chuẩn bị khởi nghĩa. 

Sáng 19/8/1945, lực lượng vũ trang giải phóng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tự vệ cứu quốc và quần chúng cách mạng các thôn, xã Lỗi Sơn, Ngọc Động, Sinh Dược, Lạc Khoái, Ngô Đồng, Tri Hối, Điềm Giang, Bích Sơn kéo lên huyện lị, từng tốp 5 đến 7 người lẫn vào dòng người đi chợ Me, nhanh chóng bao vây huyện lị. Việt Minh phát loa kêu gọi Nhân dân nổi dậy tham gia khởi nghĩa xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật, binh lính đầu hàng, lực lượng cách mạng làm chủ huyện lị. Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc phong kiến huyện Gia Viễn, thành lập chính quyền cách mạng. 

Theo đà thắng lớn, chiều 19/8/1945, một số thanh niên yêu nước huyện Gia Viễn kéo lên phủ Nho Quan cùng với Nhân dân và lực lượng cách mạng huyện Nho Quan thuyết phục binh lính đầu hàng, tịch thu vũ khí đưa về căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. 

Gần 79 năm đã trôi qua nhưng các thế hệ người dân trên quê hương Gia Viễn anh hùng hôm nay vẫn luôn tự hào và biết ơn cha ông đã làm nên dấu mốc vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng, giành độc lập tự do cho dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước. 

PV: Phát huy truyền thống hào hùng đó, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Gia Viễn đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của huyện trong những năm qua? 

Đ/c Ngô Hùng Khánh: Tự hào và kế thừa truyền thống cách mạng của cha ông, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Gia Viễn trong mỗi giai đoạn luôn mang trong mình những hoài bão và ý thức trách nhiệm cao, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương. 

Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là kinh tế phát triển. Từ một huyện thuần nông, chịu nhiều thiên tai, bão lũ, nằm trong nhóm những huyện nghèo, Gia Viễn đã vươn lên trở thành huyện phát triển của tỉnh. Tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao và bền vững (bình quân đạt trên 25%/ năm), quy mô kinh tế trên 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ (hiện đã đạt 97%). 

Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Các chính sách, chủ trương hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của huyện phát huy hiệu quả. Huyện cũng tích cực xây dựng sản phẩm OCOP của các địa phương; đến nay trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao. Nhiều mô hình trang trại tổng hợp thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm. 

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Đến nay, huyện có xã Gia Thanh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 90 thôn, xóm đạt thôn, xóm NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. 

Huyện cũng tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 3 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Gia Lập) đã đi vào hoạt động, thu hút 56 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đã đóng góp phần lớn cho ngân sách tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp tăng về số lượng và hoạt động hiệu quả với 1.880 cơ sở sản xuất kinh doanh về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện. 

Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân đạt 9,7% năm, gấp 3,8 lần so với năm 2020. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. 

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và củng cố vững chắc; chất lượng mũi nhọn được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ. 

Nhiều tuyến đường tại trung tâm huyện Gia Viễn được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Ảnh: Trường Giang

PV: Viết tiếp truyền thống quê hương cách mạng, thời gian tới, huyện Gia Viễn sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu gì, thưa đồng chí? 

Đ/c Ngô Hùng Khánh: Thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân Gia Viễn sẽ tiếp tục đoàn kết đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch theo hướng tăng tỷ lệ đô thị hóa; tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 697/QĐUBND ngày 01/6/2020; hoàn thành quy hoạch đô thị Gián Khẩu, đô thị Vân Long, hướng tới xây dựng huyện thành đô thị loại 4 vào năm 2030. 

Cùng với thực hiện quy hoạch, huyện tập trung sắp xếp triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn huyện Gia Viễn giai đoạn 2023-2025; bố trí, sắp xếp, tinh giản khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Trung ương và hướng dẫn của tỉnh. 

Tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy, gắn với cơ cấu lại ngành công nghiệp, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. 

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vốn có, phát triển thêm các không gian du lịch. Trong đó tập trung kết nối với các khu du lịch, điểm du lịch cấp vùng của Hà Nội và Hà Nam. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, Gia Viễn phấn đấu xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 31 thôn, xóm NTM kiểu mẫu. 

Nhìn lại quá khứ đầy tự hào của quê hương để hướng tới tương lai với những thành tựu mới đó là điều mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Gia Viễn đang nỗ lực phấn đấu. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, tin tưởng rằng quê hương Gia Viễn sẽ ngày càng phát triển giàu mạnh, vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hướng tới xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025 và xây dựng huyện thành đô thị loại 4 vào năm 2030. Qua đó góp phần cùng các cấp, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của tỉnh: Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí! 

Theo Báo Ninh Bình