Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

QUẦN THỂ LĂNG PHÁT TÍCH VUA ĐINH TIÊN HOÀNG - CHÙA KỲ LÂN

Thứ sáu, 13/01/2023

Quần thể Lăng phát tích Vua Đinh Tiên Hoàng và Chùa Kỳ Lân

 

     Quần thể Lăng phát tích Vua Đinh Tiên Hoàng và chùa Kỳ Lân thuộc thôn Hoài Lai, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình khoảng 18km, cách thị trấn Me khoảng 5km. Quần thể bao gồm các hạng mục: Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng, chùa Hang và chùa Kỳ Lân.

     Lăng phát tích Vua Đinh Tiên Hoàng là nơi yên nghỉ của Đinh Công Trứ cùng các bậc tiền hiền nhà Đinh. Tương truyền, ông Đinh Công Trứ, thân phụ của Đinh Tiên Hoàng (là Quan thứ sử thời Nhà Ngô) thấy cảnh đẹp đã mang mộ của ông nội nhà vua an táng tại ngai này.

     Đây được coi là nơi đắc địa, một điểm hội tụ được mọi khí thiêng của trời đất, sông núi: Cả quả núi được coi là Lăng mộ, núi hình Kỳ Lân, đầu quay về hướng Đông. Đứng ở phía Đông Nam nhìn Lăng như ngồi giữa ngai vàng… Lăng được đặt vào huyệt đất cực kỳ quý: Huyền Vũ có núi Đỗ Thích, Bạch Hổ có núi Long, núi Hổ (Long chầu, Hổ phục) quay đầu vào Lăng, Thanh Long có dãy đồi Độc Lập như một bày voi quy phục chầu về, Chu Tước có núi Ngũ Nhạc (5 quả núi nhỏ), sông Đại Hoàng uốn lượn như rồng sống động đầy khí lực chạy sát chân núi Kỳ Lân, mang địa khí bồi bổ cho Long huyệt. Trong sách “Bái Đính ngàn năm tâm linh huyền thoại” của nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng có nêu về “Truyền thuyết mả táng hàm rồng” như sau: Dòng Đại Hoàng (sông Hoàng Long ngày nay) chảy sát chân núi Kỳ Lân, tạo nên vùng nước xoáy không ai dám bơi qua.

     Trước đây, Lăng phát tích được xây dựng trong ngai này, song lâu ngày mưa gió làm hư hại. Đến năm 2009, Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời Đô, Nhà nước trùng tu nâng cấp Lăng Nhà Đinh, Lăng cao khoảng 20m so với cánh đồng dưới chân núi, đường lên Lăng phát tích được thiết kế với khoảng 50 bậc đá chia làm 5 nhịp đều nhau. Phía trước Lăng, dưới chân núi có sập đá để thờ bằng đá nguyên khối chạm khắc nổi hình rồng mây, phía sau là đôi trụ cột đèn và nhang án bằng đá xanh nguyên khối cũng chạm khắc nổi hình rồng mây, hoa sen.

     Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng hai tầng tám mái, mỗi đầu mái được đắp nổi hình rồng, lợp bằng ngói vảy. Bên trong lăng có sập đá được chạm khắc nổi hình rồng, phượng, hoa sen để đặt đồ lễ thờ. Bên trên sập đá còn có đôi lộc bình đặt trên đế bằng đá. Sau sập đá là nhang án bằng đá chạm khắc cầu kỳ, sau đó là tấm bia lớn cao khoảng 2m, phía trên bia chạm đôi rồng chầu nguyệt, ở giữa bia khắc chữ Hán và chữ Việt “Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng đế”. Bên dưới chân bia đặt chóe đựng rượu và nước để thờ.

     Lăng được xây dựng 3 gian, 4 hàng cột, hàng cột phía trước có treo đôi câu đối:

                                                                                                                  Thủy cao sinh dưỡng vạn phúc lai

                                                                                                                  Sơn cao đức đại linh song mộ

     Hàng cột phía sau có câu đối:

                                                                                                                  Phụng sự dòng tộc

                                                                                                                  Hưng thịnh quốc gia.

     Phía trên núi Kỳ Lân, bên cạnh Lăng Phát tích về phía Đông bắc núi, có Động Kỳ Lân (dân gian còn gọi là động Đại Hữu) ở lưng chừng núi, có chiều dài gần 100 mét, rộng 40 mét, lối lên động ở phía đông nam núi. Phía tây bắc cũng có cửa động nhưng không có lối lên xuống. Trong động có nhiều nhũ đá đẹp, có lối lên trời, có lối xuống "Âm phủ", bởi từ giữa động có khoảng trống cao hun hút lên đến đỉnh núi lộ thiên, lại có hố sâu thẳm đên chân núi, tạo ra âm dương đối đãi, cân bằng. Có lẽ, chính vì vậy người xưa đã biến động thành chùa Kỳ Lân, trong "Chùa" có xây bệ và đặt các tượng Phật.

     Chùa Hang (còn được gọi là chùa Kỳ Lân cũ) không rõ năm xây dựng chùa, nhưng căn cứ vào 02 tấm bia được dựng vào niên hiệu triều Mạc (1527-1582) gồm: 01 tấm bia tạo năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 1(1562); 01 tấm bia tạo năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4(1565) thông tin cho biết “Vốn ngôi chùa Hang ở thôn Vân Hà là chốn danh lam có từ cổ xưa. Gần đây dân thôn đứng ra lo liệu tu sửa lại”; Cũng nhờ nội dung tấm bia trùng tu của triều Mạc trong chùa, càng khẳng định ngôi chùa trước vốn được dựng trong động “Chùa Kỳ Lân trên núi Đại Hữu” và đã hiện diện từ trước những năm 1562, tức là ngôi chùa ít nhất đã có gần 500 năm tồn tại.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị Pháp đốt và đã được nhân dân xây dựng lại, đến thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, hang Kỳ Lân đã được Nhà nước sử dụng làm Đài phát tín 2 (phát thanh sang Lào và Campuchia), năm 1972, khi bị Mỹ đánh bom Đài Tiếng nói Việt Nam mất sóng 9 phút, thì được tiếp sóng của Đài phát tín từ chùa Hang. Đây là nơi ghi dấu lịch sử đặc sắc của nhân dân Gia Phương nói riêng và của huyện Gia Viễn nói chung. Có một bài thơ “Thất ngôn bát cú” quốc ngữ khuyết danh hiện còn treo trong chùa (thời điểm xuất hiện bài thơ vào khoảng cuối thế ký XIX đầu thế kỷ XX) ca ngợi cảnh chùa cùng cảnh vật huyền ảo:

                                                                                                                  Kỳ Lân tiên cảnh chính là đây

                                                                                                                  Phật tích tăng quy ở chốn này

                                                                                                                  Tả có chùa tiên trong động đá

                                                                                                                  Hữu kìa Lăng tổ giữa rừng cây,

                                                                                                                  Trước cửa từ bi rừng với núi

                                                                                                                  Trên tòa cực lạc gió cùng mây

                                                                                                                  Khen cho tạo hóa dày công đắp

                                                                                                                  Ví cảnh Bồng Lai cũng thế này.

     Chùa Kỳ Lân nằm bên cạnh Lăng phát tích, phía dưới chùa Hang, trước mặt là Hồ Đại Hoàng tạo nên một quần thể thống nhất, uy nghiêm. Chùa Kỳ Lân được xây dựng với kiến trúc 2 tầng, tám mái, lợp ngói vảy. Phía ngoài hiên có treo quả chuông bằng đồng được trang trí bằng các họa tiết rồng, mây, phượng… có tượng Đức Phật đang ngồi thiền, tay phải cầm bông hoa sen, tay trái đặt viên ngọc, bên tay phải từ ngoài vào có ban thờ tượng Phật Bà Quan Âm tay cầm cành liễu, bên tay trái có ban thờ tượng Địa tạng vương Bồ tát. Qua nhiều lần trung tu, tôn tạo, năm 2022 chùa Kỳ Lân đã cơ bản hoàn thiện khang trang, bề thế.

     Nơi đây là trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Gia Viễn, là nơi mở các lớp học giáo lý cho các phật tử vào mỗi dịp cuối tuần. Hàng năm cứ đến ngày 26, 27 tháng 9 âm lịch, tại núi chùa Kỳ Lân đều cử hành các khóa lễ và lễ húy kị theo nghi thức thành kính, tôn nghiêm. Cũng vào dịp này, nhân dân và Phật tử khắp nơi đổ về như trẩy hội để tham dự khóa lễ tưởng niệm chư vị tiền bối, lịch đại Tổ sư đã có công tạo dựng nên ngôi chùa Kỳ Lân linh thiêng huyền bí.

     Quần thể Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng và chùa Kỳ Lân là một trong những di tích lịch sử gắn liền với truyền thuyết vua Đinh Tiên Hoàng, việc bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử, các truyền thuyết của những người có công lập quốc góp phần giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống gìn giữ bảo vệ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương./