Động Hoa Lư
Căn cứ ban đầu của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh
Động Hoa Lư thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, động còn có tên gọi khác là Thung Lau (dân gian thường gọi Thung Ông). Động nằm cách Cố đô Hoa Lư khoảng 15 km và thành phố Ninh Bình 20 km đường bộ về phía Bắc.
Động Hoa Lư (Thung Lau) là nơi Đinh Bộ Lĩnh cùng trẻ mục đồng “Cờ lau tập trận” từ thuở thiếu thời; là nơi Đinh Bộ Lĩnh chọn làm căn cứ quân sự đầu tiên để nương náu lúc ban đầu xây dựng lực lượng tiến tới thống nhất đất nước thế kỷ thứ X. Nơi đây là một thung lũng khá rộng trên 5ha, nằm lộ thiên, nằm giữa bốn bề núi đá bao quanh như bức tường thành uy nghi, sừng sững, kiên cố cao vút, vòng cung. Động Hoa Lư nằm trong sơn hệ đá vôi chạy dọc hữu ngạn sông Đáy, từ vùng Kim Bảng (Hà Nam) và Hòa Bình đổ về. Núi ở đây cao trên dưới 200m, chính là bức tường ngăn cách động Hoa Lư với bên ngoài, trông xa như một con rồng nằm án ngữ, che chở cho căn cứ của nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh.
Động Hoa Lư có đường độc đạo đi vào động là một quèn nhỏ cao khoảng 30m với dốc đá lởm chởm rất khó đi lại. Ngày nay, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một con đường với khoảng 240 bậc đá uốn lượn thành 9 khúc (Tượng trưng cho hình tượng Rồng). Bao bên ngoài động là đầm Cút, dài khoảng 3 km rộng 500m, như con hào thiên nhiên chắn giữ.
Bên cạnh động Hoa Lư về phía đông là thung Lá (dân gian thường gọi là Thung Bà) đây cũng là một thung lũng bốn bề núi bao quanh, lối vào cũng chỉ có một đường quèn nhỏ. Giữa Thung Lá (Thung Bà) và động Hoa Lư (thung Ông) là sườn núi thấp có đường qua lại dễ dàng. Xung quanh động Hoa Lư có nhiều thung khác như Quèn Cả (thờ Mẫu Sơn), thung ông Sáu khá hiểm trở, có thể đóng được hàng vạn quân. Mặt nam thung Quèn Cả có một thành đất dài khoảng 230m2 gọi là thành Hẻo, tương truyền thành Hẻo có thể là thành của Đinh Bộ Lĩnh. Từ đây có thể theo các quèn đá lên vùng núi huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình hay vùng rừng núi huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hoặc tiến ra phía đồng bằng ven sông Đáy.
Ở phía đông động Hoa Lư còn có một con đường nhỏ chạy xuống phía nam gọi là đường Vua Đinh, bên dưới là ngòi vua Đinh với truyền thuyết vua Đinh đã đắp đường này để vào căn cứ.
Đi bộ qua quèn đá là con đường bằng, được lát đá cẩn thận dẫn lối vào cổng Tam quan được lợp bằng ngói vảy có treo bức đại tự cổ có ghi dòng chữ Hán "Hoa Lư động". Tiếp đó là bức bình phong bằng đá ở giữa được khắc nổi hình con hổ xuống núi thể hiện sự uy nghi của Vua Đinh. Hai bên là Tả vu và Hữu vu 5 gian lợp bằng ngói vảy, là nơi để nhân dân sửa soạn lễ trước khi vào đền.
Ở giữa động Hoa Lư có một ngôi đền nhỏ gồm 5 gian, 3 gian giữa lắp cánh cửa, 2 gian ở hai hồi là buồng lồi xây gạch trần. Trong đền, trên Hương án đặt tượng thờ Đinh Bộ Lĩnh, ngồi trong ngai uy nghi sơn son thếp vàng, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào. Phía bên trên gian thờ có bức hoành phi với 3 chữ Hán lớn "Hoa Lư động", tương truyền xưa kia đền thờ Đinh Bộ Lĩnh (vua Đinh Tiên Hoàng) được xây dựng trên nền dinh lũy cũ của ông. Sau này, nhân dân địa phương rước bài vị vua Đinh và rước chân nhang Nguyễn Minh Không ở Điềm Xá về đây để thờ phụng. Đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không nằm ở phía sau đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, cách nhau một sân hẹp, gồm 3 gian đều lắp cánh cửa, gian giữa trên Hương án đặt tượng Thánh Nguyễn Minh Không, phía bên trên là bức hoành phi với 3 chữ Hán "Vân như vọng". Hai gian bên có ban thờ đức thánh Trần và Chúa thượng ngàn. (Đức Thánh Nguyễn Minh Không sinh ngày 15/10/1065, mất năm 1141, là người có nhiều công lao to lớn với dân với nước, ông chữa khỏi bệnh cho vua được phong là Quốc sư, được nhân dân tôn lên hàng Thánh. Trên cương vị Quốc sư thống lĩnh lực lượng Phật giáo quốc gia. Ông cũng là người đã sưu tầm, phục hưng nghề đúc đồng góp phần tạo nên "Tứ Đại khí" của Đại Việt thời Lý – Trần, đó là tháp Báo Thiên ở Thăng Long Hà Nội, chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu Chùa Một Cột- Hà Nội, Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường Nam Định,...)
Đến thăm động Hoa Lư du khách sẽ được nghe kể về một thời ấu thơ, tập trận cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh. Trên núi và dưới chân núi từ xưa tới nay đều có rất nhiều hoa lau, đến mùa (khoảng tháng 10) hoa nở trắng cả một vùng, người ta lại nghe như văng vẳng đâu đây tiếng reo hò tập trận của lũ trẻ chăn trâu.
Theo sử sách, khi cha là Đinh Công Tráng mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ về ở cạnh đền Sơn thần, nay là đền Long Viên (vườn rồng) thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, Nho Quan. Hàng ngày Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự và tập trận cờ lau ở động Hoa Lư và đồng Rộc Xéo ở đôi bờ sông Bôi thuộc xã Gia Thủy, Nho Quan và xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Khi đó đám trẻ chăn trâu ở đây thường bầy binh tập trận, thấy Đinh Bộ Lĩnh là người có trí khí, tôn Đinh Bộ Lĩnh làm chủ soái “Thường lấy hoa lau làm cờ, tổ chức nghi lễ đưa rước như nghi lễ Thiên tử”. Ông có những người bạn rất thân là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú. Nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu ca:
“Trần ai, ai biết, ai đâu
Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng
Cờ lau tập trận vẫy vùng
Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang”
Khi Đinh Bộ Lĩnh lấy động Hoa Lư làm căn cứ, thì Đinh Thúc Dự cũng chiếm Sách Bông (Gia Phương- Gia Viễn ngày nay) chống lại Đinh Bộ Lĩnh. Trong một trận giao chiến, Đinh Bộ Lĩnh bị thua, ông chạy đến Đàm Gia Loan ( nay thuộc xã Gia Thắng). Đinh Bộ Lĩnh thoát nạn, truyền thuyết kể rằng “Rồng Vàng chở Đinh Bộ Lĩnh qua sông”. Ngay sau đó Đinh Bộ Lĩnh thu nhặt quân sỹ, lại đánh thắng được Đinh Thúc dự, làm chủ được vùng đất (tương đương với huyện Gia Viễn ngày nay) và ngày càng mở rộng.
Từ tập trận cờ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp lực lượng và lấy động Hoa Lư làm căn cứ đầu tiên để dẹp loạn 12 sứ quân (năm 944), với tài chí hơn người ông mở rộng căn cứ của mình từ vùng rừng núi Hoa Lư ra vùng đồng bằng ven biển sông Hồng bằng cách cùng con trai là Đinh Liễn sang đầu quân trong đạo binh của Sứ quân Trần Minh Công, tức Trần Lãm, ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), được Trần Lãm mến tài gả con cho. Sau đó ông được Trần Minh Công trao binh quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác. Là người có tài, lại được nhân dân nhiều địa phương giúp sức, ủng hộ, đánh đâu thắng đó nên Đinh Bộ Lĩnh được gọi là Vạn thắng Vương. Trong dân gian lưu truyền câu ca:
“Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai sứ tướng bây giờ đều thua”
Năm 968, đất nước thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ông cho xây dựng cung điện, đặt triều nghi. Năm 970 ông đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc tiền đồng để tiêu dùng trong nước gọi là tiền đồng “Thái Bình”; lập năm Hoàng hậu; năm 971 vua Đinh định thứ bậc, phẩm trật cho các quan văn võ và tăng đạo.
Việc vua Đinh xưng đế, đặt tên nước riêng, đặt niên hiệu riêng được xem như ông là người mở ra nền chính thống cho chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Trước đó đã có người xưng “Đế”, nhưng quy mô và lực lượng còn nhỏ, từ Đinh Bộ Lĩnh trở đi, các triều đại phong kiến Trung Quốc mới coi nước ta là một nước quan trọng trong quan hệ ngoại giao.
Động Hoa Lư sau nhiều lần được trùng tu, sửa chữa đến năm 2008, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội), đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được đầu tư xây dựng lại và xây dựng thêm đền thờ thánh Nguyễn Minh Không, đồng thời xây các hạng mục khác như cổng vào, Tắc môn, hồ bán nguyệt. Trong khi xây dựng hồ bán nguyệt, nhân dân địa phương đã phát hiện ra một tượng đá hình con trâu và một tượng hình con chim, hiện nay đang được đặt ngay dưới chân núi lối vào động. Với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, gắn liền với sự nghiệp thống nhất giang sơn của Đinh Bộ Lĩnh, động Hoa Lư đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số VH-Q 51/VH-QĐ ngày 01 tháng 12 năm 1996.
Hàng năm, vào dịp đầu Xuân, ngày 10 tháng Giêng âm lịch, tại động Hoa Lư diễn ra lễ hội gọi là hội động Hoa Lư hay còn gọi là lễ hội đền Thung Lau. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức nghiêm trang để lưu truyền người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh với nhiều nghi lễ đậm nét văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc thu hút nhiều du khách đến thăm quan, chiêm bái./.