Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

ĐỀN THÁNH TÔ VÀ NÚI KIẾM LĨNH

Thứ sáu, 04/04/2025

     Đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh, tọa lạc tại thôn Xuân Lai, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, là một trong những ngôi đền cổ trên đất Ninh Bình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004.

     Đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh nằm ở vị trí tách biệt khu dân cư, được bao bọc quanh 4 phía là núi và ruộng lúa, đền lấy núi Kiếm Lĩnh (hay còn gọi là núi Cắm Gươm) làm hậu chẩm, nhìn ra sông Hoàng Long. Tương truyền đền được xây dựng trên mảnh đất có hình con voi nằm. Giếng đền là mắt voi, đường vào đền là vòi voi, đền ở trên lưng voi. Đền gắn liền sự tích núi Cắm Gươm và Rồng vàng sông Hoàng Long thời Đinh Bộ Lĩnh lập nước.

     Theo truyền thuyết, sự tích núi Cắm Gươm gắn liền với thuở thiếu thời của Đinh Bộ Lĩnh – Người có công dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt (thời Đinh năm 968 – 980). Thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng lũ trẻ chăn trâu bày trận giả ở Thung Lau, là người có tài, trí song toàn nên được tôn làm “chủ soái”. Có lần đánh thắng trận giả, Đinh Bộ Lĩnh đã bắt con trâu của chú giết thịt khao quân. Sau đó để đối phó với người chú là Đinh Thúc Dự, Bộ Lĩnh lấy đuôi trâu cắm xuống khe đất rồi sai người chạy về nói dối chú là trâu ăn cỏ của Thổ thần bị Thổ thần bắt vào lòng đất rồi còn thò mỗi chiếc đuôi (có chuyện kể trâu chui vào khe núi). Người chú tưởng thật, hớt hải chạy ra và biết bị lừa, Đinh Thúc Dự đùng đùng nổi giận, vác gươm đuổi chém cháu. Bộ Lĩnh hoảng sợ, bỏ chạy, đến bờ sông bỗng có một con rồng hiện lên chở qua sông. Chứng kiến sự việc kỳ lạ người chú vô cùng kinh ngạc sợ hãi, biết cháu mình không phải là người thường, bèn cắm gươm bên bờ sông, sụp lạy lia lịa. Nơi này sau đó mọc lên một quả núi nên được người dân gọi là núi Cắm Gươm, con đường chú rượt đuổi được gọi là đường Tiến Yết, dòng sông có rồng vàng nổi lên đưa Bộ Lĩnh qua sông gọi là sông Hoàng Long (Rồng Vàng). Những địa danh đó vẫn còn đến ngày nay trên vùng đất Gia Viễn.

     Đền Thánh Tô kiến trúc kiểu chữ Đinh, trước cửa đền có vọng lâu 2 tầng, kiểu cách như gác chuông, tiền đường hay tòa đệ tam 5 gian, dáng cao, mái thẳng. Vì kèo kiểu thượng rường, hạ kẻ. Hai đầu hồi đông tây kèo mê trang trí đường triện. Gian giữa có ngai thờ công đồng, hai bên có bát hương thờ tả văn hữu võ.

     Tòa đệ nhị 3 gian, 2 hàng cột, kèo mê. Tòa này gọi là gian Khải Thánh, thờ cha mẹ Thánh Tô, hậu cung 3 gian dọc. Vì kèo kiểu thượng rường, hạ kẻ, 3 gian giữa có lầu thờ, ngai giữa thờ Thánh Tô Hiến Thành, ngai bên phải thờ Thánh Nguyễn Minh Không.

     Tô Hiến Thành sinh năm 1102, mất năm 1179, quê ở Hạ Mỗ, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tương truyền, cha Tô Hiến Thành là Tô Trung tuổi già mà chưa có con, khi làm quan ở phủ Tràng An nghe nói ở làng Đàm Xá có ngôi chùa Viên Quang Tự do quốc sư Nguyễn Minh Không lập rất linh ứng, bèn cùng vợ chuẩn bị hương, lễ đến cầu khẩn về việc muộn con, liền linh ứng. Sau đó bà Nguyễn Thị Đoan có thai sinh ra Tô Hiến Thành. Lớn lên Tô Hiến Thành đỗ đạt cao và làm quan tới chức Thái uý, tước Vĩnh lộc Đại phu.

     Khi cha mẹ Tô Hiến Thành mất, vua Lý cho Tô Hiến Thành vàng bạc 100 cân để làm tang lễ. Sau tang lễ, vàng bạc còn thừa bao nhiêu ông biếu làng Đàm Thôn. Ông chiêu mộ 130 dân Đàm Thôn làm gia thần. Sau khi chiến thắng Chiêm Thành, Tô Hiến Thành được phong thực ấp ở phủ Trường Yên. Ông về Đàm Thôn tạ ở đền thờ Nguyễn Minh Không, khuyên nhân dân chăm lo cày cấy và xin cho dân Đàm Thôn được miễn sưu thuế, tạp dịch. Khi ông mất, vua Lý phong tước Đại Vương và sức cho dân Đàm Thôn rước thần hiệu ông về cùng thờ ở đền Nguyễn Minh Không. Ngoài đền Thánh Nguyễn thuộc địa bàn xã Gia Thắng, xã Gia Tiến và đền Thánh Tô ở xã Gia Tiến còn có một cụm kiến trúc đình, đền thờ Tô Hiến Thành ở xã Gia Tân, Gia Lập huyện Gia Viễn, cách đền Thánh Tô khoảng 5 km về phía đông. Đó là đình, đền Vân Thị, đình Trùng, đình Thượng ở thôn Tùy Hối, đình Thần Thiệu đều ở xã Gia Tân; đình Sào Long (Gia Lập) Gia Viễn. Đây cũng có truyền thuyết về Tô Hiến Thành như các nơi khác và tương truyền ngài đã từng đến những nơi này khi còn đang làm quan.

     Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như các tấm bia đá thời Tây Sơn và thời Nguyễn, các bản sắc phong cổ, nhang án, bát hương đá… rất có giá trị lịch sử và văn hóa.

     Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức rước kiệu từ đền thờ Thánh Tô sang đền thờ Thánh Nguyễn để tế lễ. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương tri ân công đức của đức Thánh Cả Nguyễn Minh Không và đức Thánh Nhị Tô Hiến Thành.

     Di tích đền thánh Tô và khu vực núi Kiếm Lĩnh được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 2004. Đền Thánh Tô và khu vực núi Kiếm Lĩnh là một đền cổ kính được bảo tồn nghiêm ngặt, tọa lạc tại ngọn núi lịch sử hùng vĩ, toát lên vẻ u tịch thâm nghiêm, nằm gần kề với các di tích gắn liền với Đinh Bộ Lĩnh (Đên Thánh Nguyễn, Lăng Phát tích, chùa Kỳ Lân, Động Hoa Lư (Thung Lau), Thung Lá, vv…) tạo thành tuyến thăm quan, chiêm bái tìm về với cội nguồn hấp dẫn du khách thập phương.