Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả

Thứ tư, 14/09/2022

“Chớp thời cơ” khởi nghĩa là một nhân tố quan trọng mang lại thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.

Bài học “chớp thời cơ” vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta hiện nay, khi internet và các công nghệ mới như thực tế ảo, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... phát triển. 

Việc tận dụng các công nghệ này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) cũng như sự phát triển của nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, xã hội, y tế, giao thông vận tải. Là trái tim của cả nước, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển dữ liệu và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực như: Y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đáng chú ý, trong lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội tiếp tục ứng dụng hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông bảo đảm hiệu quả... Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương nhận xét, các ứng dụng công nghệ giúp giảm chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các doanh nghiệp vận tải quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm ô nhiễm môi trường.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được thành phố tích cực triển khai là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Công an TP Hà Nội, đến giữa tháng 7-2022, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004, 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi. Tính đến hết tháng 6-2022, thành phố có gần 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám, chữa bệnh; số lượt sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh là hơn 26.000 lượt...

Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng của thành phố, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Trong thời gian tới, sở sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình CĐS của TP Hà Nội, đồng hành với các cơ quan của thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô triển khai các hoạt động phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo thành phố kịp thời giải quyết.

Theo qdnd.vn

Bài viết khác