Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Chung tay bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và chế định quy định trong Bộ luật Hình sự đối với hành vi xâm phạm động vật nguy cấp, quý, hiếm

Thứ bảy, 15/06/2024

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật quốc tế và thực tiễn đất nước. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được coi là công cụ pháp lý vững chắc để xử lý tội phạm liên quan đến động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ. Các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm đưa pháp luật đi vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm còn diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Gia Viễn.

Nhằm bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, UBND huyện Gia Viễn kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện Gia Viễn chung tay bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bằng những việc làm:

1. Nhận thức rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp, về đa dạng sinh học và các quy định của pháp luật khác có liên quan

- Các hành vi “Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật” (Khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017);

- Các hành vi “Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếđược ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (Khoản 4 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học);

2. Nhận thức được việc săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh động vật nguy cấp, quý, hiếm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 64 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm:

Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

c) Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;

d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

c) Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ;

d) Ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

g) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

i) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hổ trở lên;

d) Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 244 như sau:

“b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;”.

3. Khuyến khích người dân nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tích cực vận động người thân, bạn bè thực hiện tốt các nội dung trên và tham gia phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến nguy cấp, quý, hiếm nói chung được ưu tiên bảo vệ nói riêng.

Thông qua bài tuyên truyền, một lần nữa UBND huyện Gia Viễn kêu gọi cộng đồng hãy hợp tác trong việc chung tay bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn huyện Gia Viễn.

PHÒNG TƯ PHÁP

Bài viết khác