Trang thông tin điện tử huyện gia viễn
CHÀO MỪNG ĐẾN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN GIA VIỄN

Các đồng chí Lãnh đạo huyện kiểm tra công tác ứng phó bão số 3

Thứ bảy, 07/09/2024

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Yagi) trên biển Đông, sáng ngày 6/9, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện đi kiểm tra các trạm bơm trên địa bàn huyện. Cùng đi có đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; đồng chí Ngô Hùng Khánh, UVBTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo một số phòng, ban, ngành của huyện; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện.

Theo nhận định của cơ quan dự báo, bão số 3 (bão Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Bão có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và khu vực xung quanh. Đối với tỉnh Ninh Bình, theo dự báo đêm ngày 6/9, vùng biển huyện Kim Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, biển động rất mạnh. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển huyện Kim Sơn đều có nguy cơ rất cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Yên Mô có gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 8, cáp 9, giật cấp 10, cấp 11. Huyện Kim Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Đến thời điểm này, huyện Gia Viễn đã chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với cơn bão số 3. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà roát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố. Đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, vận hành các trạm bơm theo quy trình vận hành được phê duyệt. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông qua các tràn, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt, triển khai Đội xung kích PCTT cấp xã để tiến hành tuần tra, canh gác, hộ đê; chằng, chống nhà cửa, trường học, trạm xá, nhà dân, cắt tỉa cây cối... bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Thông tin nhanh về cơn bão để nhân dân biết, chủ động ứng phó. Đặc biệt quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, neo đơn trong việc phòng tránh bão, bảo đảm an toàn.

Lê Thảo-Trung tâm VHTT&TT

Bài viết khác